Homily, 2012 Missionary Expedition (Rector Major)

Lễ xuất phát truyền giáo lần thứ 143

CN XXVI “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”

(Nm 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48)



Anh chị em thân mến trong Đức Giesu Kito,


Chúng ta quy tụ nơi đây nhân danh Ngài để cử hành lễ tưởng niệm Ngài, bí tích của ơn cứu độ chúng ta và để lắng nghe Lời Ngài; Lời ấy là ánh sáng và sức mạnh cho hành trình của chúng ta trong đời. Và chính trong bối cảnh của Thánh Lễ này mà chúng ta một lần nữa cử hành cuộc Xuất Phát Truyền Giáo Saledieng.


Hệt như năm 1875, khi Don Bosco gởi các Saledieng đầu tiên đến Châu Mỹ, thì hôm nay cha Bề Trên Cả, trong vai trò là Đấng kế vị của Don Bosco, cũng gởi 45 Saledieng, 15 con Đức Mẹ Phù Hộ và 11 thiện nguyện viên người đời từ Ý. Chúng ta tạ ơn Chúa Đấng tiếp tục khơi dậy trong Giáo Hội những người nam và nữ, những thanh niên thiếu nữ, những người được thánh hiến và những người đời như anh chị em là những người đã nghe lời của Chúa Giesu trước ngày Ngài thăng thiên: “anh em sẽ nhận được sức mạnh khi Thánh Thần ngự xuống trên anh em và anh em sẽ là chứng nhân của thầy tại Gierusalem và cả vùng Giudea, Samaria cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Chúng ta cám ơn từng anh chị em đây bởi vì với lời đáp trả quảng đại của anh chị em trước ơn gọi truyền giáo, anh chị em đã làm cho sứ vụ ‘missio ad Gentes’ trở nên có thể được; ‘missio ad gentes’ là một phần cốt yếu của bản chất của Giáo Hội, nghĩa là, được gọi để chia sẻ “niềm vui và hy vọng, những đau buồn và hy vọng của thế giới”.


Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe và Hy Tế Thập Giá mà chúng ta đang cử hành, biểu hiện cao nhất của tình yêu của Đấng đã hoàn toàn hiến mình, soi sáng cho chúng ta trong biến cố trọng đại hôm nay.


Thật vậy, được là truyền giáo là một quà tặng của Thánh Thần đấng không ngừng kêu gọi các Kito hữu làm môn đệ, chứng nhân và tông đồ của Đức Chúa chịu đóng đinh và đã sống lại, và đi đến mọi nơi thậm chí đến những cực đỉnh xa xôi nhất của thế giới để loan báo ơn cứu độ mà Chúa đã dành cho chúng ta trong Con Yêu Dấu của Ngài, và để chuyển hóa nó thành một dấn thân, làm cho đời sống của mọi người ngày thêm nhân bản qua tặng ân sự sống của bản thân trong các lãnh vực giáo dục, thăng tiến nhân bản và dấn thân xã hội. Loan báo và làm chứng là hai đường lối tiếp tục hành động mạc khải của Đức Kito Đấng đến để “mang tin vui cho người nghèo, công bố tự do cho kẻ bị giam cầm, làm cho kẻ mù được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức và công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).


Chính xác là vì họ là ‘những dấu chỉ và người mang tình yêu Chúa,’ nên các Saledieng truyền giáo chứng minh điều mà thư thứ nhất của Thánh Gioan đã viết: “Không ai đã từng thấy Thiên Chúa, nếu chúng ta yêu mến nhau thì Thiên Chúa sẽ ở trong chúng ta và tình yêu Ngài sẽ nên hoàn hảo nơi ta” (4:12). Đây là sự vĩ đại của tình yêu, đưa đến sự tròn đầy của kẻ được yêu và của người yêu. Anh chị em thân mến, Thánh Thể phải là nơi chốn và thời gian quan trọng nhất của cuộc đời anh chị em, của ngày sống của anh chị em, bởi vì nó sẽ kiện cường anh chị em trong sứ vụ truyền giáo và tiếp nối mạc khải của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Chúa Giesu vị truyền giáo đầu tiên của Chúa Cha.


Dĩ nhiên ngày nay cách hiểu về việc được gọi nên người truyền giáo đã thay đổi thật sâu xa đặc biệt là vì toàn thể thế giới ngày nay đã trở nên địa hạt truyền giáo – Châu Âu cũng như Nam Mỹ, Châu Phi, Châu Á và Châu Úc – và cũng bởi vì ngày nay chúng ta phải giải quyết một loạt những cảnh huống mới trong đó con người sống đời sống nhân linh và trong đó sứ mệnh của Giáo Hội phát triển.


Ngày nay bối cảnh kinh tế bị kìm hãm bởi cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu, là nguyên nhân của những cuộc di cư, những căng thẳng và các hình thức bạo lực khác nhau, của một hố ngăn cách ngày càng sâu rộng giữa giàu và nghèo. Bối cảnh chính trị thế giới đang bị thách đố do sự hiện diện của những diễn viên mới, như thế giới Hồi Giáo, và do những lực lượng đang trỗi dậy của những quốc gia Á Châu rộng lớn. Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật thực sự là có lợi trên một số lãnh vực nào đó nhưng dường như đang muốn gạt bỏ mọi giới hạn và mọi quy tắc luân lý. Đôi khi nó còn cổ súy những khát vọng bất hợp pháp, phớt lờ những giá trị quan trọng vốn là nền tảng của luân lý con người. Thật vậy nó tỏ mình ra như một loại tôn giáo mới. Cuối cùng chúng ta gặp phải thách đố về thế giới truyền thông xã hội. Một mặt thế giới này cống hiến cơ hội tiếp cận thông tin nhiều hơn, rồi một khả thể lớn hơn nữa về việc được thông tin, về việc trao đổi ý tưởng, về những hình thức mới của sự liên đới, khả năng cổ súy một nền văn hóa đặt trên một nền tảng toàn cầu hơn bao giờ hết, mặt khác, truyền thông xã hội cũng cổ súy một sự chú tâm đến những nhu cầu cá nhân, cộng thêm vào đó là sự suy yếu và đánh mất giá trị khách quan về một kinh nghiệm nhân linh sâu xa, giảm thiểu đạo đức và chính trị đến sự lệch lạc một chiều – tất cả những nguy hiểm vốn khuyến khích một giáo phái tôn sùng những cái tạm bợ, chóng qua, súng bái vẻ hào nhoáng bên ngoài, và không đếm xỉa gì đến quá khứ hay tương lai.1


Anh chị em thân mến cha không muốn làm cho anh em có ấn tượng tiêu cực về thế giới ngày nay. Chúng ta phải chân nhận rằng tất cả những thách đố này cũng là những cơ hội, và đây chính là cách mà Giáo Hội đối diện với chúng. Thật ra Giáo Hội đang cố đáp trả bằng một ‘sự tái truyền giáo’, được đặc trưng hóa bởi nỗ lực cống hiện một sự đáp trả tích cực trước những nhu cầu rộng lớn của nhân loại. Nó muốn chuyển đạt những tin vui, là thứ tin mừng lấp đầy cuộc sống bằng ánh sáng, ý nghĩa và hy vọng. Từ đây ta có thể thấy ngày càng cần những tín hữu vui tươi và xác tín, có khả năng chuyển trao đức tin, và đầy xác tín rằng chỉ trong Đức Kito con người mới có thể đạt đến sự tròn đầy của cuộc sống, thu hoạch được một hiệu quả lâu bền và niềm hạnh phúc mà họ mong đợi.


Vì lý do này truyền thông cá nhân về đức tin bằng lời nói không bao giờ có thể bị áp đặt nhưng phải xảy ra trong một bầu khí tự do và như một đề xuất vốn mở đường đến đối thoại liên tôn giữa những người nam nữ của mọi niềm tin, đến với sự đại kết giữa các Kito hữu có những xác tín khác nhau, đến với sự hội nhập văn hóa ở mọi nơi ta làm việc.


Theo hướng này Lời Chúa mà hôm nay chúng ta vừa nghe mời gọi ta có một tâm hồn rộng mở để chấp nhận tất cả những ai yêu mến chân lý dẫu họ có thể sống ngoài đoàn chiên của Đức Kito: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”


Thật ra nếu không được hiểu rõ ràng thì một nguy cơ sẽ nảy sinh, đó là: đức tin trở nên một yếu đố của ‘sự phân biệt đối xử’ giữa những con người. Nguy cơ này tạo ra những đối kháng giữa họ. Mặt khác, Đức Giesu dạy ta đánh sập những rào cản và chào đón tất cả những ‘hạt giống chân thiện mỹ’ trên thế giới: mọi ‘chân lý’, thậm chí cả những chân lý bán phần cũng mở ra cho đức tin, hay một sự dọn đường cho đức tin! Trên hết những ai rao giảng Tin Mừng cũng đều phải biết cách để tìm ra những điểm kết nối với tha nhân để gieo vào đó sứ điệp cứu độ một cách rất tự nhiên. Chỉ theo cách này thì đức tin mới tránh được việc trở nên một thứ ‘lăng mạ’ và chia rẽ. Thật ra, đức tin phải là một lực liên kết sự hiệp nhất và ‘bác ái’, và do đó luôn rộng mở cho đối thoại liên văn hóa và liên tôn.


Trong bài đọc một, có một suy tư theo hướng này. Theo lời mời gọi của chính Thiên Chúa, Mose đã chọn bảy mươi người giữa các ‘trưởng lão’ của Israel, để họ có thể giúp ông lãnh đạo dân chúng. Tuy nhiên, để có thể làm như thế họ cần có ‘thần khí’ mà Chúa đã phú ban rộng rãi cho Mose. Vào ngày đã được chỉ định, họ tụ họp quanh ‘lều hội ngộ’ và nhận được ‘thần khí’ để nói tiên tri.


Diễn biến được trình bày trong bài đọc một xảy ra trên hậu cảnh này: hai ‘trưởng lão’, Eldad và Medad, dẫu được chọn tham gia vào nhóm bảy mươi người nhưng đã không đến lều giao ước, và bất ngờ bị Thần Khí tóm bắt, khi đó ‘họ bắt đầu nói tiên tri trong trại.’ Người dân đã hết sức kinh ngạc, và do quá nhiệt thành, một ‘chàng thanh niên’ tên Joshua, con trai ông Nun đã chạy ngay đến báo cho Mose. “Nhưng ông Mose trả lời anh, ‘anh ghen vì tôi sao? Ước sao toàn dân của Đức Chúa đều là tiên tri! Ước chi Đức Chúa tặng ban thần khí Ngài trên tất cả mọi người!”


Lời đáp của Mose cho đòi hỏi quá nhiệt thành của cậu trai trẻ Joshua thật tuyệt vời: không được phép giam hãm ‘Thánh Thần’, như thể người ta đã từng cố gắng kiểm soát Ngài và bắt Ngài phải bước đi trên những nẻo đường họ muốn, những nẻo đường xem ra an toàn hơn!


Nỗ lực ‘tống giam’ ‘Thần Khí’ là một tội kép: thứ nhất, chống lại Thiên Chúa qua việc cố gắng áp đặt một hình thức kiểm soát nào đó trên Ngài – Đấng tuyệt đối ‘tự do’! Thứ hai, chống lại anh chị em mình; đang khi họ là những con người có khả năng đáp trả sáng kiến của Thiên Chúa thì chúng ta lại muốn quyết định theo luật mà ta đặt ra, như thể ta là ‘Chúa’ chứ không phải là ‘những tôi tớ’ của tha nhân. Nếu mọi người trong dân Israel và trong Giáo Hội đều là ‘tiên tri’, như Mose mong ước, thì đó không phải là một tặng ân vĩ đại cho tất cả sao?


Không thể chối bỏ rằng trong lịch sử trường cửu của Giáo Hội, có những nỗ lực đã được thực hiện để bót nghẹt ‘Thần Khí’, khi Giáo Hội kiến tạo những ý tưởng tiên kiến, hay tạo ra những đường lối cưỡng ép nào đó trong cách hiểu cũng như cách quản trị ‘cái cơ cấu’ mà chắc chắn chẳng có một ‘độc quyền’ nào về chân lý và thậm chí càng kém độc quyền về sự thánh thiện.


Công đồng Vatican đã tái khám phá ra ơn gọi ‘ngôn sứ’ rất nền tảng của ‘toàn’ dân Kito giáo trên cơ sở một đức tin và một phép rửa: “Dân thánh của Thiên Chúa cũng chia sẻ vào sứ vụ tiên tri của Đức Kito. Họ làm loan tỏa khắp nơi một chứng tá sống động về Ngài, đặc biệt nhờ một đời sống đức tin và bác ái và cũng nhờ việc dâng hiến cho Chúa một hiến tế tạ ơn, dâng hiến miệng lưỡi để tán dương danh ngài.” (LG, số 12)


Phần đầu của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một quang cảnh không phải không giống cảnh huống trong sách Dân Số mà chúng ta vừa đề cập: khi một người không phải môn đệ Chúa Giesu nhưng lại phát ngôn nhân danh Ngài thì thay vì được coi là lời tiên tri, lời ấy đã bị các môn đệ Ngài coi là một hành vi ‘phù phép’.


Ở đây cũng có một chàng thanh nhiên quá nhiệt tình, lập tức đi kể cho Chúa Giesu về điều đó, điều mà anh ta cho là không thể chấp nhận được: “Thưa thầy, chúng con thấy có người nhân danh thầy mà trừ quỷ và chúng con đã cố ngăn người ấy lại bởi vì người ấy không thuộc nhóm chúng ta.” Chàng trai ấy chính là Gioan.


Chúng ta lưu ý biểu hiện kỳ thị của chàng tông đồ trẻ: “Chúng con đã cố ngăn người ấy lại bởi vì anh ta không thuộc nhóm chúng ta;” gần như thể Chúa Giesu là một cái gì đó được sở hữu cách ghen tuông chứ không như một ‘quà tặng’ được chia sẻ cho số đông!


Câu trả lời rất dài của vị Thầy, do đó, thật hấp dẫn: “Đừng ngăn cản người ấy. Không ai vừa làm một phép lạ nhân danh thầy lại có thể lập tức nói xấu thầy. Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”


Thoạt nhìn thì dương như câu trả lời của Chúa Giesu thật lạc quan, nhắm đến tạo dựng một luồng hơi cảm thương quanh Ngài: thật vậy chẳng có thể có ai lại vừa làm phép lạ nhân danh thầy vừa nói xấu thầy.” Nhưng trên thực tế câu trả lời này còn muốn nhắm đến mục tiêu xa hơn: nó nhắm đến giáo dục các tông đồ đừng coi bản thân mình ‘là những sở hữu chủ’ của chân lý nhưng là ‘những người tìm kiếm’ chân lý với tha nhân. Theo cách này họ tự nhiên ‘rộng mở’ cho tất cả những ai có một điều gì đó chung với họ: cái chung nhỏ bé nhất là được làm người, và nếu là những kẻ tin vào Đức Kito, thì cùng chia sẻ cái chung vĩ đại nhất là các chân lý đức tin.


Với lời khẳng định gây ngạc nhiên “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”, Đức Giesu đang âm thầm đặt trước những nền móng cho cuộc ‘đối thoại’ liên tôn giữa những con người và cho ‘phong trào đại kết’ giữa các Kito hữu, mà trong những năm gần đây Giáo Hội đã tái đảm nhiệm cách rất rõ ràng.


Sự tương phản với một diễn tả khác rất nổi tiếng của Đức Kito chỉ là điều rất hiển nhiên: “Ai không cùng với tôi là chống lại tôi và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.” Thật vậy Đức Giesu đang giới thiệu bản thân Ngài như thực tại Tuyệt Đối cho mọi người: bất cứ ai biết Ngài như Ngài là thì không thể không cùng với Ngài, nếu không anh ta sẽ bị phân tán và lầm lạc! Tuy nhiên điều này không phá đổ sự kiện là có những ‘phần’ chân thiện mỹ ở những nơi khác nào đó và chúng đã đủ để là một dấu chỉ về sự hiện hữu của Ngài trong thế giới này: đây có thể chính là con đường từ từ dẫn đến Ngài. Chính vì lý do này mà người ta không thể triệt tiêu ngay cả những lối mòn mờ tối nhất trong xa mạc: với Đức Giesu, điều này đã là đủ cho Ngài để đến với tâm hồn các dân tộc trong một cách thế bí nhiệm.


Điều này tự nhiên áp dụng cho Giáo Hội cũng như cho từng Kito hữu, nhưng theo một cách thức đặc biệt cho anh chị em, những nhà truyền giáo yêu dấu của cha: “Thần Khí” của Đức Kito đang hoạt động mạnh mẽ vượt qua cả những biên cương của Giáo Hội và thậm chí vượt qua cả đức tin nữa. Chính xác là vì Đức Kito là ‘Chân Lý’ toàn vẹn, nên Ngài phải được tìm thấy bất kỳ nơi đâu đã có một phần chân lý: theo cách này cha muốn nói rằng Đức Giesu còn vĩ đại hơn nhiều so với Tin Mừng được loan báo và rao giảng.


Chẳng cần ghen tị như Gioan và Joshua đã làm, nghĩa là đừng ghen tị khi người khác có thể có ‘Thần Khí’ của Chúa, hay họ kêu cầu hoặc tôn kính ‘danh’ Ngài: ta chỉ nên vui mừng và tạ ơn Cha trên trời vì điều này mà thôi!


Kito giáo không phải là một thương hiệu, nhưng là một lối sống, mà đôi khi phải được tìm thấy trong một cách thế thần nhiệm nơi một ai đó không phải Kito hữu! Trên hết việc phải cậy dựa vào lòng tốt và sự quảng đại của tha nhân đây đòi hỏi một cảm thức khiêm tốn và thận trọng: để rồi ngay ban đầu người tông đồ của đức Kito có thể nhận ra rằng người ấy không có quyền hành gì trên kẻ khác nhưng chỉ là người phục vụ mà thôi.


Các anh chị em truyền giáo thân mến của cha, có những tiêu chuẩn và những thái độ cần được vun trồng để sứ vụ của chúng con có thể sinh hoa kết trái. Nguyện cho Thần Khí mà các con lãnh nhận nơi bí tích thánh tẩy dẫn dắt và trợ giúp chúng con luôn luôn. Nguyện xin Mẹ Maria Phù Hộ là chủ ngôi thánh đường chúng ta đang tụ họp đây mãi là Mẹ và Bà Giáo của chúng con. Nguyện xin Don Bosco nên mẫu gương và nguồn mạch linh hứng của chúng con trong tình yêu ưu tuyển chúng con dành cho người ‘nghèo và các thanh thiếu niên’. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ đồng hành với anh chị em bằng tình mến và lời nguyện cầu của chúng tôi. Hãy đi đến khắp cùng thế giới và loan báo Tin Mừng: Đức Giesu là Đấng Kito, Con Thiên Chúa.

Pascual Chávez V.

Turin – 30 tháng 9 ’12




1 Xem Tái Truyền Giáo để chuyển đạt đức tin. Instrumentum Laboris. Vatican City, 2012. Nn. 51-52

5