Vocation and formation


ƠN GỌI VÀ ĐÀO LUYỆN: HỒNG ÂN VÀ TRÁCH VỤ



Chúa Giêsu đã kêu gọi các Tông đồ từng người một để ở lại với Ngài và sai đi công bố Tin Mừng. Ngài kiên trì và yêu thương, chuẩn bị họ và ban cho họ Thánh Thần để dẫn dắt họ tới sự thật trọn vẹn. Ngài cũng kêu gọi cả chúng ta sống kế hoạch của Đấng Sáng Lập chúng ta là nên trở nên tông đồ của người trẻ. Chúng ta đáp lại tiếng gọi này trong nỗ lực đào luyện thích đáng và liên tục, một công việc mà Chúa hằng ban ơn sủng mỗi ngày" (HL 96)


1. NHẤT QUÁN VÀ TRUNG THÀNH TRONG ƠN GỌI, NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO ƠN GỌI. - 1.1 Những động cơ. - 1.2 Những cơ hội và thách đố xét theo nhân học. Tính chân thực - Tự do – Bối cảnh lịch sử - Kinh nghiệm. – Những mối tương giao và chiều kích tình cảm nhân loại - Chủ thuyết hậu tân đại. - Chủ thuyết đa văn hóa - T bỏ. - Trung thành . 2. ƠN GỌI VÀ ĐÀO LUYỆN, HỒNG ÂN VÀ TRÁCH VỤ 2.1 Ơn gọi: bắt nguồn từ ơn sủng– Đời sống như ơn gọi. Sự sống, Lời Chúa. – Sự sống như lời phải đáp trả trước Thiên Chúa. -Ơn gọi, trách vụ suốt cuộc đời. Ơn gọi, một sứ mệnh thực hiện xuyên qua đối thoại - Sứ mệnh, nơi chốn và lý lẽ cho đào luyện. 2.2 Đào luyện: Vừa là hồng ân vừa là trách vụ - Chân tính đoàn sủng và việc xác định ơn gọi. Những mục tiêu của đào luyện 1°. Được sai đến giới trẻ: Làm cho mình đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành - 2°. Trở thành anh em với nhau do có cùng một sứ mệnh: biến đời sống chung trở thành nơi chốn và mục tiêu của đào luyện - 3°. Được Thiên Chúa thánh hiến: làm chứng cho lối sống triệt để theo Tin mừng. - 4°. Tham dự vào việc đào luyện và sứ mệnh: sinh động các cộng thể tông đồ theo tinh thần của Don Bosco. - 5°. Giữa lòng Giáo Hội: xây dựng Giáo Hội, bí tích của ơn cứu độ. - 6°. Rộng mở trước thực tại: hội nhập đoàn sủng vào văn hóa - Phương pháp đào luyện. 1°. Đạt đến tâm khảm của ngôi vị. - 2°. Làm cho kinh nghiệm đào luyện thật sống động và thống nhất. - 3°. Đảm bảo có được môi trường đào luyện và ai nấy đều đồng trách nhiệm. - 4°. Làm cho kinh nghiệm thường nhật có được tính đào luyện. - 5°. Gia tăng phẩm chất đào luyện trong việc đồng hành.- 6°. Chú tâm đến việc phân định. 2.3 Đào luyện: ưu tiên tuyệt đối. Lời nguyện kết thúc.


Roma, ngày 31 tháng Ba, 2013

Đại lễ Phục sinh


Các hội viên thân mến,


Đã lâu rồi, cha ước mong được chia sẻ với anh em những suy tư của mình về ơn gọi và đào luyện. Cuối cùng hôm nay cha mới có thể làm được việc này qua lá thư đây nhằm làm sáng tỏ vẻ đẹp và những đòi hỏi trong ơn gọi và việc đào luyện của chúng ta; đồng thời cũng nhằm soi sáng cho tình trạng hiện hành trước những đổ vỡ về tâm lý, bất nhất trong ơn gọi và chủ thuyết tương đối về luân lý mà ta có thể tìm thấy hầu hết ở khắp nơi trong Tu Hội. Tình trạng này rõ ràng cho thấy là ta đã thiếu hẳn sự trân trọng ơn gọi cùng vai trò không thể thiếu được của việc đào luyện trong tiến trình lượng giá sự thích hợp của các ứng sinh, làm kiên định những quyết định ban đầu trong ơn gọi, và nhất là việc đồng hóa mình với Đức Kitô vâng phục, nghèo khó và thanh khiết theo gương Don Bosco.

Quả thế, chúng ta cảm thấy thực sự âu lo trước con số khá đông những hội viên rời bỏ Tu Hội, hội viên trong thời kỳ khấn tạm hay khi kết thúc thời kỳ này, hội viên đã khấn trọn cũng như những linh mục xin tháo lời khấn để nhập tịch vào một địa phận hoặc xin hồi tục; và đáng tiếc thay, có cả những người bị thải hồi.

Quả là đúng, Tu Hội xét như toàn thể và cách riêng, vị Cố vấn Đào luyện đã hết sức cố gắng để bảo đảm sao cho đội ngũ đào luyện được kiên định, các đề xuất và những chương trình đào luyện có được phẩm chất cao và rõ rệt, bảo đảm các chương trình học, các môn Salêdiêng, phương pháp đào luyện tập trung vào từng cá nhân, việc đào tạo các nhân viên đào luyện, đồng thời đã bắt đầu chương trình đào luyện liên tục. Tuy nhiên, chúng ta vẫn được tiếp tục mời gọi quan tâm đến vấn đề này, học hỏi và suy tư sâu xa hơn nữa, và phải có được những bước can đảm nhằm sinh động hóa và cai quản trên mọi cấp.

Cha thâm tín rằng đào luyện ban đầu là một trách vụ cốt yếu của Tu Hội. Tu Hội chịu trách nhiệm hàng đầu và tối hậu về căn tính Salêdiêng và về sự hiệp nhất trong những bối cảnh khác nhau; cách riêng, những quyết định cơ bản về đào luyện là đặc quyền của Bề Trên Cả và Ban Cố Vấn ngài. Cha cũng thâm tín rằng các Tỉnh dòng đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và hỗ trợ các cộng thể đào luyện và các trung tâm học vụ, cách riêng về việc hội nhập văn hóa của đào luyện; về phía các tỉnh dòng, điều này có nghĩa là phải dứt khoát đầu tư nhân sự và các nguồn lực ngõ hầu đem lại một phẩm chất cao cho việc đào luyện.

Tuy nhiên, cha nghĩ rằng trước hết, chính đời sống thường nhật của các cộng thể tông đồ địa phương rốt cục mới đóng vai trò quyết định. Thật thế, dù cho các cộng thể đào luyện có cung cấp một nền đào luyện có phẩm chất cao đến đâu đi nữa, cố giúp cho các hội viên trẻ trưởng thành trong Dự Phóng Đời Sống theo Don Bosco đến đâu đi nữa, thì cũng sẽ ra công cốc khi mà tại các cộng thể địa phương, một lối sống không tương ứng với kế hoạch ấy, hoặc xem thường hay thậm chí còn trái nghịch với kế hoạch đó. Chính vì thiếu hẳn một "nền văn hóa Salêdiêng" chân chính như thế mà những thái độ và những lối hành xử hoàn toàn xa lạ với những người Salêdiêng thánh hiến tông đồ mới phát triển. Tất cả điều này chỉ ra rằng mỗi một hội viên, mọi cộng thể địa phương, toàn thể tỉnh dòng và toàn Tu Hội đều phải can dự vào việc chăm sóc ơn gọiđào luyện. Ngoài việc phải nghiêm túc nỗ lực cho đào luyện ban đầu, ta còn cần phải nghiêm túc nỗ lực cho đào luyện liên tục nữa ngõ hầu đưa tới một sự thay đổi thực sự trong văn hóa của một Tỉnh dòng.

Đây không phải là lần đầu tiên cha xin anh em lưu tâm đến việc đào luyện ban đầu đầy tế nhị này, chú ý đến lối sống, lối suy nghĩ, thái độ và hành sử trong một tỉnh dòng. Cha đã vắn tắt nhắc đến điều ấy trong bản tường trình về tình trạng Tu Hội cho Tổng Tu Nghị 26. Song đối với cha tình trạng đó dường như vẫn chưa thay đổi.


1.KIÊN ĐỊNH VÀ TRUNG THÀNH TRONG ƠN GỌI, NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO ĐÀO LUYỆN


Một trong những đề tài mà chúng ta lưu tâm ngay từ khởi đầu nhiệm kỳ Bề Trên Cả của cha là tính kiên định trong ơn gọi. Về chủ đề này Ban Tổng Cố vấn đã suy tư và kết quả là vị Cố Vấn Đào Luyện đã phát hành những văn kiện Hướng Dẫn.1 Đề tài này cũng đã được Hiệp Hội các Bề Trên Thượng Cấp (USG) lấy lại cho những cuộc họp khoáng đại hai năm rưỡi trước đây.2 Điều này cho thấy đây hẳn là một vấn đề được tất cả mọi Dòng Tu, các Tu Hội và Hiệp hội - sống đời tông đồ cũng như đời chiêm niệm - quan tâm. Việc tìm hiểu đó cho thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau đưa đến sự đổ vỡ tâm lý, không kiên định trong ơn gọi và chủ thuyết tương đối về luân lý.

Để mọi người có thể ý thức hơn về hiện tình ấy cha nghĩ sẽ hữu ích khi nêu cho anh em một vài thông tin về những ai gia nhập và xuất khỏi Tu Hội trong thời đào luyện ban đầu và liên tục trong thập niên qua:


Đào luyện ban đầu


Năm

Tập sinh3

Tập sinh xuất

Được tuyên khấn


Khấn tạm xuất dòng


Mới khấn trọn đời

Tư giáo mới khấn trọn

Sư huynh mới khấn trọn

Tân linh mục

2002

607

137


231

249

217

32

262

2003

580

111

470

225

254

221

33

218

2004

594

118

469

211

281

242 +1P

38

203

2005

621

151

476

237

249

219 +2P

28

230

2006

561

137

470

227

260

221 + 2P

37

192

2007

527

110

424

200

219

205

14

175

2008

557

121

417

216

220

200

20

222

2009

526

109

436

225

265

246

19

195

2010

532

125

417

222

177

161 +1P

15

203

2011

414

40

407

185

231

210 + 1P

20

206

2012

480


374

174

262

237

25

189


Đào luyện liên tục


Năm

Tư giáo khấn trọn xuất dòng

Sư huynh khấn trọn xuất dòng

Phó tế miễn chuẩn độc thân

Linh mục4 miễn chuẩn độc thân

Ngoại vi Exclaus-trated

Hồi tục previo experi-mento

Hồi tục

simpliciter

Bị thải hồi

2002

8

12

3

15

18

7

11

24

2003

10

14

4

11

10

3

10

25

2004

14

15

3

20

14

9

12

26

2005

11

15

1

15

10

9

10

26

2006

13

10

3

27

11

11

11

26

2007

15

11

3

18

9

12

18

24

2008

8

6

5

18

5

12

14

24

2009

12

13

2

9

6

14

10

36

2010

9

9

1

11

0

29

8

38

2011

10

12

3

11

3

17

11

30

2012

8

11

1

33

4

23

15

29


Tập sinh theo các Vùng


Năm

Nam Mỹ hình chóp

Trung Mỹ

Tây Âu

Ý-Trung Đông

Bắc Âu


Phi châu-Madagascar

Đông Á - châu Đại Dương

Nam Á


2002

76

110

11

43

71

55

80

135

2003

69

111

6

27

59

84

79

144

2004

86

98

12

25

51

92

84

145

2005

97

92

14

18

71

95

74

160

2006

76

88

3

22

47

92

75

158

2007

76

97

6

22

51

94

73

108

2008

58

105

4

18

48

100

89

135

2009

64

91

8

24

40

89

64

146

2010

40

73

1

18

55

114

93

138

2011

46

46

7

15

29

94

60

117

2012

43

63

3

21

38

107

69

136

TC

731

974

75

253

560

1016

840

1522



Chăm sóc ơn gọi và đào luyện luôn có nghĩa là phải đối diện với những thách đố về nhân học, xã hội và văn hóa. Nói đơn giản, điều này có nghĩa rằng ngày nay chúng ta phải đương đầu với một loạt thách đố vốn đòi hỏi những giải đáp mới, chính bởi vì, theo khía cạnh văn hóa, chúng ta thấy mình đang đối diện với một loại người trẻ thật mới mẻ. Đối với họ, phải chọn lựa quả là khó khăn và thật khó cho họ khi nghĩ đến việc họ phải làm một lựa chọn dứt khoát kéo theo mọi nỗ lực cần thiết để có thể bền đỗ và trung thành. Họ thấy mình không hiểu được tại sao cần phải sống khổ chế, phải từ bỏ mình: họ né tránh đau khổ và lao động cực nhọc. Ngày nay người trẻ cảm thấy cần phải khẳng định chính mình dựa trên nghề nghiệp và kinh tế; họ muốn tự lập, song đồng thời lại muốn được bảo vệ; liên tục bị quấy rối bởi những hình ảnh được truyền thông phổ biến, họ thấy khó mà trân trọng đời độc thân và đức thanh khiết; và - cuối cùng nhưng không kém quan trọng – họ sống với một trình độ thất học về đức tin và kinh nghiệm về đời sống Kitô hữu lại thật nghèo nàn.5 Chắc chắn, bên cạnh những khía cạnh kém cỏi này, giới trẻ hẳn cũng có nhiều điều cống hiến và cho thấy có nhiều thái độ tích cực: họ tìm kiếm những mối tương giao liên vị có ý nghĩa, họ quan tâm đến tình cảm, sẵn sàng và quảng đại dấn thân vô vị lợi và tình nguyện phục vụ, chân tình và tìm kiếm sự chân thực.

Việc đào luyện để trung thành với Thiên Chúa, với Giáo Hội, với Hội Dòng của mình, với những trách nhiệm của mình bắt đầu ngay từ khi lựa chọn các ứng sinh. Cần phải nhấn mạnh hơn nữa đến những nhân cách biết chủ động với tinh thần tinh thần táo bạo và sáng kiến, có khả năng tự do thực hiện những chọn lựa và biết tổ chức đời sống của mình xoay quanh những chọn lựa này, mà không có những áp lực ngoại tại hay nội tại. Ngoài ra, cần phải có một cách thức phân định với hai điểm quy chiếu: một đàng, đội ngũ nhân viên đào luyện phải có cùng một tiêu chuẩn về sự thích hợp và, đàng khác, ứng sinh rõ ràng phải có những phẩm chất giúp mình đồng hóa được với kế hoạch đời sống theo Tin mừng. Điều này đòi buộc việc đào luyện phải tập trung ngày càng nhiều hơn trên chính đương sự, để đương sự biết biến việc đào luyện trở thành việc của mình, theo nghĩa là phải đem lại chiều sâu cho các động cơ, tự mình có lập trường trước những giá trị và thái độ phù hợp với ơn gọi thánh hiến Salêdiêng và việc đồng hành của nhân viên đào luyện phải làm sao cho tốt.

Chúng ta có cuốn Ratio và tập Những Tiêu Chuẩn và Nguyên Tắc là hai tài liệu rất giá trị; chúng là hoa quả của kinh nghiệm và thực hành đào luyện trong Tu Hội, với sự đóng góp của khoa học nhân văn, của việc so sánh với "Ratio" của những Dòng tu, Tu Hội và hiệp hội tu trì khác. Nhưng không may, không phải tất cả các đội ngũ nhân viên đào luyện đều biết rõ và đã áp dụng hai tài liệu này. Ta có thể phạm những sai lầm trong các lãnh vực khác, nhưng không được phép phạm sai lầm trong việc đào luyện; bởi lẽ, sai lầm như thế có nghĩa là hủy hoại hàng bao nhiêu thế hệ Salêdiêng, bỏ đi sứ mệnh và làm hỏng toàn Tu Hội. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng căn tính, sự hiệp nhất và sức sống của Tu Hội tùy thuộc phần lớn vào phẩm chất của việc đào luyện và việc cai quản ở những cấp khác nhau: địa phương, tỉnh dòng và Tu Hội.

Ta cũng nên nhắc lại và một lần nữa nên nói cho rõ ràng rằng đào luyện là trách nhiệm của Tu Hội và Tu Hội trao cho các Tỉnh dòng bổn phận thực hiện. Tỉnh dòng phải bảo đảm sao cho có được những những điều kiện cần thiết về nhân sự, cơ cấu và nguồn lực để thực hiện. Vì vậy, hẳn là không chính đáng khi một tỉnh dòng mong muốn tự mình làm hết mọi giai đoạn đào luyện. Đúng hơn, Tỉnh dòng phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với việc đào luyện người Salêdiêng mà ngày nay Tu Hội, Giáo Hội và giới trẻ cần đến. Hiện vẫn còn có một thái độ chống đối lại ý tưởng về những cộng thể đào luyện liên tỉnh. Ngay cả khi không thể cung cấp được một nền đào luyện tốt bởi thiếu hụt hội viên được đào luyện và nhân viên đào luyện, một số Tỉnh dòng vẫn cứ muốn tự mình làm lấy. Một lần nữa cha lặp lại rằng việc đào luyện là thẩm quyền của Tu Hội chứ không đơn thuần là trách nhiệm của tỉnh dòng. Từng cá nhân đều là hồng ân quý giá nhất mà Tu Hội có được, và Tu Hội trao phó việc đào luyện ban đầu cho các Tỉnh dòng, các nhóm Tỉnh hay Vùng. Từ đó, ta buộc phải chăm sóc cẩn thận những cộng thể đào luyện ban đầu, buộc phải thiết lập những trung tâm học vụ thật tốt, buộc phải chuẩn bị các nhân viên đào luyện chứ không chỉ những giáo sư, song cũng buộc phải bảo đảm sức sống của tất cả các cộng thể trong Tỉnh dòng, và bảo đảm sao cho từng hội viên có được đức tin và tính chất triệt để của việc họ đi theo Đức Kitô [sequela Christi].


1.1Những động cơ


Khởi điểm thông thường là quan niệm sai lầm về ơn gọi; đôi khi ơn gọi bị đồng hóa với kế hoạch đời sống cá nhân được thúc đẩy do ao ước muốn hoàn thành chính mình, do cảm thức nhạy bén về xã hội, lo lắng cho những kẻ nghèo khổ nhất hoặc do tìm kiếm một cuộc đời bình lặng mà không hề có được những cam kết nghiêm chỉnh hay một sự tuân phục cách toàn vẹn và vô điều kiện đối với Thiên Chúa và đối với sứ mệnh của cộng thể.

Những động cơ này thì không có giá trị hay ít nhất là không đủ để tiếp nhận hồng ân sống đời thánh hiến; chúng không diễn đạt được đức tin, chỉ là mơ tưởng ("Tôi thích là một tu sĩ", "tôi đã quyết định trở thành một người Salêdiêng",...) hay mang một tâm thức về xã hội ("tôi cảm thấy được gọi để phục vụ người nghèo, trẻ hè phố, những người bản địa, di dân, nghiện ngập,...") hay tìm kiếm sự an toàn.

Ta quên mất rằng chỉ trong ánh sáng đức tin ta mới khám phá ra cuộc đời là một ơn gọi, và thậm chí còn hơn thế nữa, tiếng mời gọi sống đời thánh hiến chỉ có thể có được trong cái nhìn đức tin vào Chúa, Đấng kêu gọi những kẻ Người muốn, để họ ở với Người, bước theo Người, bắt chước Người, hầu sau đó Người có thể sai họ đi rao giảng. Như thế, việc theo Đức Kitô, sequela Christi, và việc bắt chước Đức Kitô, imitatio Christi, trở thành những yếu tố làm nên đặc trưng cuộc đời của những môn đệ và tông đồ của Đức Giêsu. Chính trong việc bước theo sau Đức Giêsu và tìm cách tái thực hiện lại những thái độ của Người mà chúng ta đồng nhất hóa mình với Người đến độ được nên hoàn toàn đồng hình đồng dạng với Người.

Đúng là lúc đầu, chúng ta có thể mang những động cơ không hoàn toàn có giá trị và vì thế không đủ chính đáng để có thể quyết liệt chọn lựa tận căn một đời sống hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu và Tin mừng của Người, vào Thần Khí. Công việc của tiến trình đào luyện đích thật là phải giúp xác định, cân nhắc, phân định các động cơ và rồi thanh tẩy chúng và làm chúng trưởng thành sao cho Thiên Chúa và Ý Chúa mới là tiêu chuẩn tối thượng.

Trách vụ không thể né tránh này quả là một trách vụ rất tinh tế; thực vậy, nhiều động cơ lại nằm ẩn trong tiềm thức; điều này khiến ứng sinh phát biểu những động cơ mà họ có nghe nói và học biết được nhưng họ lại không có thể nhận diện và làm cho rõ được những động cơ thật sự. Chúng ta đừng quên rằng Tin mừng đã nói về một kẻ nào đó đã diễn đạt ước muốn ở lại với Đức Giêsu sau khi được Người chữa lành. Chúa không cho phép người ấy làm thế song lại nói: "Anh cứ về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào" (Mc 5, 19).

Hơn nữa, ta cũng phải xét đến nền văn hóa đặc trưng của những thế hệ mới. Hiệp Hội Các Bề Trên Tổng Quyền đã dành hai hội nghị khảo sát đề tài này. Trong hội nghị đầu tiên, các ngài tìm cách hiểu rõ hơn diện mạo của những người trẻ đến xin sống đời thánh hiến, những giá trị mà họ cảm nhấn mạnh hơn, những thách đố họ đặt ra cho đào luyện và có thể được biến thành những cơ hội đào luyện. Trong hội nghị thứ hai, các ngài bàn về lòng trung thành, vốn không được đồng nhất với sự bền đỗ; thực thế, đôi khi có trường hợp một vài tu sĩ vẫn bền đỗ theo nghĩa vẫn còn ở lại trong dòng, song đúng hơn, sẽ tốt cho họ nếu họ rời bỏ dòng; lòng trung thành không chỉ có nghĩa là trung thành bên ngoài với lời mình khấn hứa cùng Chúa, nhưng là một cam kết sống hằng ngày điều ta tuyên khấn.


1.2Những cơ hội và thách đố dưới khía cạnh nhân học


Trong Hội Nghị Các Bề Trên Tổng Quyền được triệu tập vào tháng Năm 2006, cha được mời trình bày suy tư về lòng trung thành với ơn gọi trong đời sống thánh hiến dưới khía cạnh nhân học. Cha nghĩ cũng nên chia sẻ đôi điều cho anh em. Theo cách thức ta hiểu về con người và tiềm năng của họ, có một số yếu tố thường hằng mà ta có thể nói được là đang cấu thành nhãn quan liên văn hóa nổi bật hiện nay. Hạnh phúc và việc hoàn thành chính mình, những ước ao và khát vọng, tình cảm và cảm xúc là những cơ hội và cũng là thách đố. Đang khi thách đố, những khía cạnh nhân học ấy lại là cốt yếu đối với mọi đời sống thánh hiến vốn muốn trở thành con người thật sung mãn và thật khả tín. Chúng làm nên nền tảng cho việc đào luyện lòng trung thành với ơn gọi.


Tính chân thực


Tình trạng con người ngày nay cống hiến cho đời thánh hiến cơ hội sống tính chân thực một cách mới mẻ. Thực thế, văn hóa ngày nay, cách riêng văn hóa giới trẻ, trân trọng tính chân thực. Người ta muốn thấy chúng ta hạnh phúc. Họ muốn thấy rằng điều chúng ta nói đi đôi với điều chúng ta làm, và những lời của chúng ta phải ngay thật bởi vì chúng đến từ một đời sống nhất quán.

Chân thực là một cơ hội thật sự bởi vì nó nại đến lòng quảng đại và nỗi khao khát tình bạn, lòng tự hiến và niềm hân hoan được quây quần với nhau của giới trẻ. Đó là những thái độ thâm sâu và là những kích thích tố mạnh mẽ đưa tới sự trưởng thành trong đời sống thánh hiến chân chính và trong tình yêu quảng đại vô vị lợi. Điều này thôi thúc và khích lệ những hội viên lớn tuổi hơn trong các cộng thể chúng ta phải thực sự là những mẫu gương đầy hấp dẫn và thách đố, phải sống cuộc đời yêu thương Đức Kitô vốn đã gợi hứng cho mình ôm ấp đời thánh hiến. Những hội viên này phải hiểu rằng họ có một vai trò trong việc đào luyện những thế hệ trẻ. Tính chân thực đòi ta phải chú ý đến chiều kích nhân bản của con người thánh hiến và cuộc sống thường nhật của các cộng thể.

Tính chân thực cũng là một thách đố bởi nó đòi ta phải trở lại những gì là cốt yếu, và nhất là phải vượt thắng cái nhìn coi trọng phận vụ, thường giản lược đời sống thánh hiến vào một vai trò, một công việc, hay một nghề nghiệp, làm hại đến lòng say mê tự hiến cho Đức Kitô và nhân loại. Tính chân thực thôi thúc các cộng thể chúng ta mỗi ngày hãy hoán cải và canh tân, hãy hiểu biết hơn nữa các lời khuyên phúc âm như là lối đường để một con người hoàn thành chính mình cách toàn diện. Chân thực quả là một thách đố cho đời thánh hiến mà ngày nay luôn bị đe dọa bởi cạm bẫy là tính tầm thường và lười biếng, gặp nguy cơ chìm ngập và rồi sắp xếp mọi sự theo các giá trị 'thế tục'.


Tự do


Là một ngôi vị có nghĩa là cuộc đời mình nằm trong tay mình, tức là mình tự quyết định điều mình muốn làm trong cuộc đời. Tự do tức là trách nhiệm xây dựng cuộc đời, là những gì mình có thể làm, là tương lai.

Tự do là một cơ hội bởi vì đó là cách thức duy nhất để biến những giá trị thành thực tại bên trong và biến những tiến trình đào luyện thành cái gì thuộc về cá vị một cách sâu xa và như thế mới đạt được sự trưởng thành đích thật.

Tự do cũng là một thách đố bởi vì nó đòi chúng ta phải biết làm thế nào để nối kết nỗ lực hoàn thành chính mình với dự phóng, với việc đào luyện bản thân và với việc đồng hành, bao gồm cả việc đồng hành thiêng liêng. Cần phải cho người trẻ đủ trọn thời gian cần thiết để họ tăng trưởng và đạt đến trưởng thành theo nhịp tiến của họ. Những giai đoạn theo giáo luật và những giai đoạn trưởng thành cùng với khả năng làm những quyết định lành mạnh không luôn luôn tương hợp nhau. Thụ phong linh mục và tuyên khấn trọn đời không luôn luôn tương ứng với một sự chọn lựa cá nhân đầy xác tín và trưởng thành. Vì thế, cần đến nhân viên đào luyện có khả năng cung cấp nền đào luyện được cá vị hóa.


Bối cảnh lịch sử


Con người là hữu thể đang trở thành (in fieri) và xã hội lại luôn tiến hóa. Con người cần thời gian để tăng trưởng; câu chuyện cuộc đời của họ hội tụ nhiều trải nghiệm khác nhau. Kể lại câu chuyện cuộc đời của ai đó là có thể xác định căn tính của con người ấy.

Vì thế, bối cảnh lịch sử là một cơ hội bởi vì nó giúp chúng ta thấy rằng cuộc đời chúng ta là một hành trình và việc đào luyện của chúng ta là một tiến trình không bao giờ kết thúc. Sống tức là nỗ lực hoàn thành và xây dựng cuộc đời mình. Cuộc đời là một giai điệu liên tục, khởi đi từ đào luyện ban đầu đến đào luyện liên tục. Những thay đổi trong xã hội thôi thúc ta phải canh tân và thích ứng liên lỷ đời sống thánh hiến; chúng mời gọi ta xác định lại đời sống thánh hiến theo cách diễn tả của con người ngày nay.

Bối cảnh lịch sử cũng là một thách đố bởi vì nó đòi buộc việc đào luyện, theo tầm mức đào luyện liên tục, phải sinh động và hướng dẫn toàn bộ việc đào luyện ban đầu. Chỉ tập trung vào người trẻ và vào đào luyện họ mà thôi thì không đủ. Khi khuyến khích tất cả mọi hội viên sống lại "tình yêu ban đầu của họ", tất cả các cộng thể và Tu Hội cần phải khơi động chính đam mê ơn gọi mà họ đã có khi bắt đầu sống đời thánh hiến của mình. Hành trình cuộc đời của mỗi người đều có nguy cơ co rút về mình một cách ích kỷ mà không chịu mở lòng mình ra để tự hiến. Trong một thế giới đang thay đổi và không có một tâm điểm quy chiếu nào, thì chính sự phân mảnh sẽ thống trị; vì thế đào luyện cần phải giúp cho một cá nhân sống thống nhất và giúp cho người ấy tập trung vững chắc vào việc chính yếu là đi theo Đức Kitô.


Kinh nghiệm


Ngày nay nhất thiết phải vươn xa hơn một nền đào luyện duy tri thức chỉ nhắm hiểu biết những tình trạng cuộc sống mà không hề có chút kinh nghiệm nào về chúng cũng như không biết hòa nhập những kinh nghiệm ấy vào đời sống hằng ngày. Ai nấy đều muốn có được kinh nghiệm. Người ta tìm kiếm những kinh nghiệm mạnh mẽ hơn; người ta muốn chính bản thân được trải nghiệm sự vật.

Kinh nghiệm là một cơ hội bởi vì khi một người học từ cuộc sống thì việc đào luyện trở thành cá vị hơn, thực tế hơn và sâu xa hơn. Ai nấy đều cần kinh nghiệm chứ không riêng gì giới trẻ; những hội viên lớn tuổi hơn cũng cần phải có một kinh nghiệm mạnh mẽ và chân thực về Thiên Chúa, về đoàn sủng, về người nghèo, về những mối tương giao huynh đệ cảm nhận được.

Kinh nghiệm cũng là một thách đố bởi vì nó có thể trở thành một mục đích tự thân, trong khi đó ta cần phải trải nghiệm chính các giá trị. Những kinh nghiệm khác nhau có thể là vụn vặt và rời rạc; vì thế cần một vị linh hướng giúp dễ dàng thống nhất các kinh nghiệm hơn và cổ xúy việc nội tâm hóa các giá trị. Vấn đề không phải là cứ có nhiều kinh nghiệm cho bằng chọn lựa một vài giá trị được chuẩn bị đâu vào đó, chọn lựa những kinh nghiệm mạnh mẽ đòi phải được phân tích ngõ hầu những kinh nghiệm đặc thù trở thành kinh nghiệm của bản thân.


Tương quan và tình người


Trong văn hóa ngày nay con người cảm thấy rất cần những mối liên hệ tình người chân thực. Giữa giới trẻ có một nỗi khao khát mạnh mẽ về tình bằng hữu và bạn bè, về những mối liên hệ tình cảm, những liên hệ thân mật và trìu mến; song cả những người lớn cũng tìm kiếm những tương giao có ý nghĩa làm cuộc sống thêm phong phú. Để cuộc sống huynh đệ chính là hình thái của lời ngôn sứ, cuộc sống ấy phải lộ ra được khả năng hình thành nên những mối liên hệ, phải hấp dẫn được theo phương diện tình người, và phải tạo ra được một môi trường đậm nét tình gia đình.

Ước ao gặp gỡ nhau chắc chắn cấu thành một cơ hội bởi vì những mối liên hệ sâu đậm giữa người với người được trải nghiệm liên tục sẽ giúp cho lòng trung thành trở nên cá vị hơn và giúp mời gọi người khác tham gia vào mối tương quan, nghiệm được tính chân thực và sự thông giao, nhưng trên hết, là nghiệm được tình yêu và dấn thân cho con người Đức Giêsu Kitô. Đời sống huynh đệ khiến ta chú tâm hơn đến những khía cạnh thường nhật thông thường của việc cùng nhau chung sống. Tuy nhiên, ta cũng cảm thấy cần phải mở rộng những mối liên hệ và vun trồng những tình cảm.

Đời sống huynh đệ cũng cấu thành một thách đố bởi vì nó đòi hỏi các cộng thể chúng ta phải chú tâm hoán cải và canh tân. Theo nhãn quan nhân loại, ứng sinh trẻ tìm thấy loại môi trường nào trong các cộng thể chúng ta? Những hội viên lớn tuổi kinh nghiệm mức độ thông giao đến đâu? Đây là một thách đố đưa tới vấn đề làm thế nào "hồi sinh" được các cộng thể, nhất là khi hội viên ngày càng lớn tuổi. Quả là một thách đố bởi vì không dễ gì tìm được những nhân viên đào luyện thật quân bình, có thể thực hiện một lối tiếp cận thật cá vị song vẫn tránh được chiều hướng thiên về cá nhân chủ nghĩa, đồng thời biết đồng hành thiêng liêng từng người một cách thật khôn ngoan. Bởi lẽ, ngay cả mỗi người cũng không dễ gì đạt được sự quân bình cảm xúc và tình cảm trong những mối liên hệ của mình và trong chính đời sống mình.


Chủ thuyết hậu tân đại


Để là một lời ngôn sứ cho thế giới hậu tân đại, đời sống thánh hiến cần phải khơi lên được một sự hấp dẫn nào đó và cần phải khám phá lại được vẻ đẹp của mình.

Nói chung, đối chọi với nền văn hóa hậu tân đại hẳn là một cơ hội để ta đề xướng những giá trị của đời thánh hiến như một khích lệ, một sự thanh luyện và một chọn lựa khác hẳn các giá trị của thế giới: chẳng hạn, lòng trung thành đối lại một văn hóa kiêu hãnh về sự bất trung của nó; một đời sống đức tin đối lại một xã hội không hề quy chiếu đến những giá trị tôn giáo; sự lạc quan và hy vọng đối lại một thế giới đầy sợ hãi. Đây cũng là một cơ hội để vạch ra cho lòng quảng đại và niềm khao khát tình bạn nỗi khao khát hoàn thành chính mình và tìm kiếm Thiên Chúa của giới trẻ có được một hướng đi.

Đối chọi với nền văn hóa hậu tân đại cũng là một thách đố vì nền văn hóa truyền thông đang thịnh hành đây hứa hẹn một thứ hạnh phúc sai lạc song lại hấp dẫn. Chúng ta có bổn phận phải cống hiến, cách riêng cho giới trẻ, một kinh nghiệm cá vị và chân chính về Đức Kitô. Qua lời nói và việc làm, chúng ta phải tỏ ra rằng đời sống thánh hiến có thể đem lại một sự hoàn thành cho chính từng con người. Ta cần diễn tả lại đời thánh hiến sao cho đời sống ấy thật hấp dẫn, mang tính ngôn sứ và thật đáng tin cậy; đồng thời, ta cũng cần một sự quân bình mới giữa việc canh tân đoàn sủng và cách diễn đạt đoàn sủng ấy trong dòng lịch sử.


Thế giới đa văn hóa


Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng trở nên "ngôi làng toàn cầu" hơn: từ một văn hóa của cá nhân chủ nghĩa chúng ta đang chuyển tới việc các thế giới văn hóa khác biệt cùng gặp gỡ nhau, dù không phải không có chút chống cưỡng. Đó là một thế giới mang đặc điểm là toàn cầu hóa, thay đổi mau chóng, phức tạp, phân mảnh và trần tục hóa. Trong tất cả điều này người được thánh hiến nhận ra được Thần Khí Thiên Chúa hoạt động. Ngài là Đấng luôn hoạt động ở bất kỳ nơi nào Ngài muốn, theo cách Ngài muốn và khi nào Ngài muốn.

Sự khác biệt nhau về văn hóa là một cơ hội bởi vì nó khuyến khích tình liên đới, mở lòng tiếp nhận những kinh nghiệm khác nhau và tiếp nhận phong trào thiện nguyện phục vụ lẫn nhau, lòng thương cảm người nghèo khổ, kính trọng môi trường và mưu tìm hòa bình. Nó cũng cổ xúy một 'tinh thần quốc tế' và kinh nghiệm về lối sống rộng mở của những cộng thể sống đời sống thánh hiến qua cách thức cộng thể sẵn sàng phục vụ bất cứ khi nào được yêu cầu. Chính như thế mà đoàn sủng lại được thêm phong phú. Một đoàn sủng như vậy hẳn cổ võ nơi những người trẻ lòng ham học hỏi, tiếp nhận và đối thoại với nhau.

Sự khác biệt nhau về văn hóa cũng là một thách đố bởi vì, đối với phần đa những người được thánh hiến đã thành niên, việc đi vào trong kinh nghiệm đa văn hóa quả là khó khăn. Cần phải nghĩ lại về ngôn ngữ ta sử dụng và cách thức ta chuyển giao những giá trị cho những con người thuộc thế giới xa xôi và xa lạ. Đào luyện sống trung thành giữa một thế giới liên tục thay đổi và đa chiều xét về văn hóa, cũng như làm sao sống đức tin giữa một xã hội không hề muốn quy chiếu gì đến những giá trị tôn giáo và Kitô hữu, - một công việc vừa là trường tồn lại vừa là rộng mở cho những kinh nghiệm liên văn hóa -, trách vụ đào luyện như thế quả là rất khó khăn.


Sống từ bỏ


Từ bỏ là một phần cốt yếu của đời sống, và đời thánh hiến cũng thế; khi được chấp nhận cách tích cực, từ bỏ trở thành một kinh nghiệm giải phóng và phong phú. Không ai có thể chọn hết tất cả mọi sự, kể cả người đã vì tình yêu và đã chọn yêu thương mà có một kinh nghiệm muốn ôm trọn tất cả.

Từ bỏ là một cơ hội để thực sự sống đời thánh hiến của chúng ta và để làm cho cuộc đời ấy trở thành "sự chữa lành thiêng liêng" đích thực cho nhân loại. Nó thanh tẩy tình yêu và làm cho tình yêu nên chân thực.

Từ bỏ cũng là một thách đố bởi vì đời sống thánh hiến vạch ra một lối sống riêng, và thường miễn cho người được thánh hiến khỏi những vấn đề và những gánh nặng của đời sống thông thường. Tuy thế, trong tất cả mọi nền văn hóa, cám dỗ của chủ nghĩa tiêu thụ, đời sống dễ dãi, sống sung túc, du lịch và có những "phương tiện truyền thông riêng" vẫn chạm đến những người được thánh hiến. Cần phải trở lại những điều cốt yếu trong đời sống và trong những tổ chức của chúng ta. Cách riêng, đối với giới trẻ, nhưng không chỉ chúng mà thôi, từ bỏ có thể là một vấn đề. Thực vậy, chúng ta phải giúp cho chúng hiểu được rằng đây không là vấn đề phải hy sinh cái gì, nhưng là chọn một cái gì, đúng hơn, chọn Một Ai Đó: tức chọn Chúa Giêsu và bước theo Người. Nơi Người ta có được trọn vẹn tự do, niềm vui và sự thể hiện chính mình thật sung mãn. Điều này có nghĩa là mở lòng ra đón nhận Đức Giêsu, để Người đi vào trong cuộc đời chúng ta và chiếm hẳn vị trí thứ nhất; như thế, chúng ta được thong dong tự do thoát khỏi những tình trạng vốn có thể ngăn cản chúng ta thực hiện và sống sự chọn lựa triệt để này.


Lòng trung thành


Trung thành là một hệ quả hiển nhiên của việc người được thánh hiến chọn lựa Thiên Chúa, khơi lên nơi cuộc sống họ ngọn lửa đam mê Thiên Chúa và Chúa Giêsu đến độ dám hiến dâng tất cả cuộc đời của mình.

Trung thành là một cơ hội bởi vì nó làm cho mối liên hệ với Chúa Giêsu và vương quốc của Người thành sâu sắc hơn và cá vị hơn. Nó cho ta làm chứng được rằng Thiên Chúa là giá trị tuyệt đối và trường tồn, luôn kiên vững giữa bao xáo trộn đầy thay đổi của văn hóa. Nó cho ta có thể nhìn thế giới với cái nhìn tích cực và nhận ra được những kinh nghiệm tích cực của lòng trung thành trong gia đình, trong cộng thể, trong Giáo Hội, như là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong dòng lịch sử. Nó cũng cho chúng ta có thể nhận thấy ý nghĩa của những hy sinh người thánh hiến được mời gọi thực hiện.

Trung thành cũng là một thách đố bởi vì nó bị tính chất phân mảnh và nhất thời của văn hóa ngày nay tác động. Như thế, lòng trung thành cần phải được đồng hành liên tục một cách cá nhân cũng như cộng thể hầu vượt thắng được khuynh hướng yêu bản thân, và biết chết đi cho chính mình để bước theo Đức Kitô. Đàng khác, lòng trung thành không thể chỉ ở trên bình diện lý thuyết. Đó phải là một lòng trung thành sống động, một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô vốn thấm nhập trọn cả con người đó và dẫn người được thánh hiến từ những kinh nghiệm phân mảnh tới "kinh nghiệm" nền tảng. Hơn nữa, lòng trung thành của người được thánh hiến là một thách đố cần phải liên tục đào sâu qua việc hàng ngày tra vấn: Tôi đang trung thành với ai? Lòng trung thành là một thách đố đòi phải tạo nên một cộng đoàn tín hữu biết sống trung thành. Cộng đoàn ấy giúp ta vượt qua được sự hời hợt để đạt tới gốc rễ sâu xa của lòng trung thành, cũng như giúp xây dựng và canh tân lòng trung thành với đoàn sủng, nhận ra con đường phía trước và những bước tiến phải theo. Nhưng hiện nay, trung thành không còn được coi là một cái gì phải kéo dài suốt cả cuộc đời mà chỉ có thể là trung thành "vào thời điểm này" mà thôi. Vì lẽ này, trong một số hội dòng, câu hỏi thường nêu lên là liệu có nên đưa một dạng cam kết tạm thời nào đó vào đời sống thánh hiến hay không. Salêdiêng chúng ta đã tuyên bố rằng chúng ta không tán thành dạng đó. Đối với chúng ta, phải hơn là chúng ta nên đào luyện thế nào để cho các hội viên có thể hoàn toàn hiến mình suốt đời cho Thiên Chúa.

Hẳn nhiên, rất nhiều khả năng phong phú mở ra cho con người ngày nay đã mang đến những cơ hội lớn lao để con người thăng tiến, cũng như đem lại những nhiệm vụ mới trong việc đào luyện sống đời thánh hiến. Hẳn đây không phải là coi nhẹ những đóng góp then chốt của ơn thánh và Thần Khí, là Đấng thực ra đang tác động qua chính những năng động lực tâm lý và nhân bản của từng cá nhân. Vì thế, việc đào luyện phải lưu tâm rộng mở cho Thần Khí, khởi đi từ chính những cách con người diễn tả đây mà phát huy chúng tới mức trưởng thành sung mãn.


2.ƠN GỌI VÀ ĐÀO LUYỆN, HỒNG ÂN VÀ TRÁCH VỤ


Câu hỏi được nêu lên: tại sao chúng ta phải can dự vào việc đào luyện những người được Thiên Chúa kêu gọi và sai tới cho chúng ta? Chính bởi vì trong Tu Hội, chúng ta coi họ là tặng phẩm của Thiên Chúa ban cho giới trẻ, chúng ta chăm sóc họ, ý thức mình có trách nhiệm giúp họ vươn lên tới đỉnh cao ơn gọi họ nhận được. Vì thế chúng ta cố gắng khảo sát kỹ càng hơn hai yếu tố không thể tách chia nơi một ơn gọi chân thật. Đó là, ơn gọi và đào luyện; hồng ân và trách vụ, tương tự như hai mặt của một đồng tiền.

Khoản đầu tiên Hiến Luật dành cho đào luyện đưa ra một xác quyết cơ bản, một lời tuyên xưng đức tin thật sự được diễn đạt từ quan điểm của người được gọi: "Chúng ta đáp lại tiếng gọi này [từ Đức Giêsu] bằng nỗ lực đào luyện thích hợp và liên tục " (HL 96).6

Vì thế, Hiến Luật hiểu đào luyện như là một lời đáp trả ơn gọi. Hiến Luật không coi đào luyện chỉ là khoảng thời gian dài diễn ra trước khi được can dự đầy đủ và dứt khoát vào sứ mệnh chung, và càng không giản lược đào luyện vào việc học hành đơn thuần các môn học tôn giáo và nghiệp vụ, mà hội viên phải nỗ lực học để chuẩn bị cách riêng cho sứ mệnh của cá nhân mình. Tất cả những việc chúng ta phải làm để nhận biết, đảm nhận và đồng hóa mình với kế hoạch Thiên Chúa mời gọi chúng ta, đó chính là đào luyện. "Đào luyện là vui tươi chấp nhận hồng ân ơn gọi của mình và thể hiện ơn gọi ấy trong mọi thời khắc của đời sống mình và trong mọi hoàn cảnh".7 Ta có thể nói, đào luyện là bậc sống mà một người bước vào khi người đó cảm thấy mình được Đức Giêsu gọi để ở lại với Người và rồi được Người sai đi (x. Mc 3,13).

Khi kêu gọi chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta một căn tính. Và chúng ta chỉ đáp lại Ngài một cách thích đáng khi chính chúng ta nhận biết căn tính của mình trong tiếng gọi của Ngài. Vì thế, căn tính Salêdiêng thì không được đánh đồng với những gì chúng ta đã là hay với những gì chúng ta muốn là; nhưng đúng hơn nó phải ăn khớp với kế hoạch của Thiên Chúa, với điều Ngài muốn chúng ta trở thành. Vì thế, mục đích của toàn bộ việc đào luyện là làm chúng ta nên một với điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. 'Hỡi anh em Salêdiêng, hãy trở nên điều anh em được kêu gọi!' Tiếng gọi của Thiên Chúa hoàn toàn là một ơn nhưng không, đi trước và thúc đẩy nỗ lực đáp trả lại tiếng gọi đó một cách thích đáng. Đào luyện tự căn bản hệ tại ở việc ấy, và vì đó mà Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta hằng ngày" (HL 96): ơn gọi và đào luyện là hai cách qua đó ơn sủng hoạt động trong chúng ta; ơn gọi là ơn sủng Thiên Chúa kêu gọi ta, đi trước, đồng hành và cần đến đào luyện; đào luyện là ơn sủng làm ta xứng đáng với ơn gọi, cần phải được vun trồng, gìn giữ và đào sâu thêm luôn mãi.



2.1Ơn gọi: cội nguồn là ân sủng


Cuộc sống môn đệ theo Chúa mà chúng ta ôm ấp là một hồng ân của Chúa Cha, Đấng hiến thánh chúng ta bằng ơn Thần Khí của Ngài và sai chúng ta đi làm tông đồ cho thanh thiếu niên" (HL 3).

Ơn gọi không bao giờ là một kế hoạch-đời sống cá nhân từng người hoàn thành với sức riêng mình và nuôi dưỡng bằng những hoài bão tuyệt nhất của chính mình; đúng hơn đó là một tiếng gọi từ Đấng đi trước và siêu việt họ, đề xướng cho người được chọn một mục tiêu vượt quá bản thân họ và cả những gì họ có thể làm được. Trong trường hợp thứ nhất, người đó cảm thấy mong ước và hứng khởi làm một điều gì đó cho cuộc đời của mình, hay đúng hơn, đề xuất cho chính mình - và tin mình có thể làm như thế - để làm cuộc đời mình trở thành một cái gì đó. Trong trường hợp thứ hai, họ cảm thấy rằng họ được mời gọi để làm cho cuộc đời mình thành một cái gì đó, một điều mà họ chỉ có thể tưởng nghĩ và nhận ra được với điều kiện là họ đáp lại tiếng gọi đích danh đó. Tin rằng ta đã được gọi có nghĩa là biết rằng ta đã được chọn (x. Ga 15,16).  “Trên hết chính là tình yêu của Thiên Chúa. Việc theo sau chỉ là một lời đáp trả tình yêu đối với tình yêu Thiên Chúa. Nếu "chúng ta yêu mến" chính là "bởi vì Ngài đã yêu chúng ta trước" (1 Ga 4, 10,19). Điều này có nghĩa là nhận biết tình yêu cá vị của Ngài với ý thức chân thành từng làm cho Thánh Tông đồ Phaolô thốt lên: "Đức Kitô đã yêu tôi và phó mình cho tôi" (Gl 2:20)".8


Cuộc đời như ơn gọi


Cuộc đời của mỗi người là một ơn gọi và phải được hiểu, chấp nhận và hoàn thành đúng như thế".9 Trước khi biết được định mệnh của đời sống mình trong ơn gọi ra sao, trước khi nhận biết được ta đã được kêu gọi để làm một cái gì đó với đời sống của ta, người tín hữu biết rằng họ đã được Thiên Chúa kêu gọi bởi chính sự kiện đơn giản là họ đang sống. Thánh vịnh gia thừa nhận: "chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người" (Tv 100,3).


Sự Sống, Lời Thiên Chúa


Sự sống, sự hiện hữu của chính chúng ta là lời Thiên Chúa, và cùng lúc đó là lời ta đáp trả cho chính Thiên Chúa. Câu chuyện bà Anna, mẹ của Samuel nhắc nhớ chúng ta điều này. Bà xin một mụn con, và khi được nhận lời, bà thấy rằng cậu nhỏ thuộc về Thiên Chúa. Thực thế bà đã đem cậu tới đền thờ Chúa tại Silô để "ra mắt Ðức Chúa và sẽ ở lại đó mãi mãi… Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Ðức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin. Ðến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Ðức Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Ðức Chúa" (1Sam 1, 22.27-28). Khi kêu gọi con người, Thiên Chúa ban cho họ cuộc sống. Người được kêu gọi buộc phải đáp trả. Với cuộc đời Ngài thương ban, Thiên Chúa đã đặt cuộc đối thoại trở thành cách chúng ta phải sống trước tôn nhan Ngài. Được tạo dựng theo hình ảnh của một vị Thiên Chúa nghĩ đến chúng ta như hữu thể đối thoại với chính Ngài, chúng ta chỉ có thể sống khi đối thoại với Thiên Chúa . Cuộc đời là cách thức Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta và vì thế cuộc đời đòi con người phải ngỏ lời với Ngài. Từ hư không, chúng ta được sinh ra ngay giữa cuộc đối thoại thần linh, đó không phải là chuyện ngẫu nhiên. Khi đối thoại với chính mình, Ngài đã nghĩ đến chúng ta, và đã có thể coi chúng ta là hình ảnh của Ngài bởi vì chúng ta có thể đối thoại như Ngài và với Ngài.

Từ phút giây họ đã được Thiên Chúa gọi vào cuộc đời, người tín hữu biết rằng sự hiện diện của họ trong thế giới không phải là kết quả do chính họ quyết định: con người sống không phải bởi vì chính họ mong ước, bởi vì họ muốn sống, nhưng bởi vì họ đã được mong ước và được yêu mến... Chính vì cuộc đời này là kết quả của ý Thiên Chúa muốn, nên ta không thể sống cuộc đời bên ngoài ý Ngài: ai sống cuộc đời đã không do chính mình chọn lựa, thì không được sống theo ý mình ấn định. Cuộc đời được ban tặng có những giới hạn mà ta phải kính trọng và các trách vụ ta phải đảm trách (St 1, 28-31). Theo Thánh Kinh, do chính sự kiện đơn giản là việc họ đang sống, con người biết họ được Thiên Chúa kêu gọi và chịu trách nhiệm trước Ngài. Con người sống chính vì Thiên Chúa muốn con người hiện hữu và sống theo Thánh Ý Ngài. . . ; con người biết mình sống bởi vì mình đã được Thiên Chúa kêu gọi. Và con người biết mình sẽ sống nếu như mình vẫn trung thành với ơn gọi của mình”.10

Chính bằng cách này, khi làm cho tiếng gọi của Thiên Chúa thành của chính mình, chúng ta tìm thấy sự thiện hảo của mình và khám phá ra tự do: "Mỗi người tìm thấy sự thiện hảo của mình bằng cách đính kết với kế hoạch của Thiên Chúa cho họ, hầu hiện thực nó cách viên mãn: trong kế hoạch này, họ tìm thấy sự thật về mình và nhờ đính kết với sự thật này họ trở nên tự do (x. Ga 8, 32)”.11

Cuộc đời là lời đáp trả Thiên Chúa

Chỉ đơn giản là do đang sống, con người phải hành động một cách có trách nhiệm: vì họ là thụ tạo sống động duy nhất phản ánh bản tính của Thiên Chúa là hiện hữu trong đối thoại (St 1,26), con người phải đảm nhận trách nhiệm đối với tạo dựng (St 1,3-25), chấp nhận trách nhiệm sinh sản (St 1,27-30; Tv 8,6-9; Hc 17,1-10) và trách nhiệm đối với anh chị em của mình (St 4,9). Mối liên hệ của họ với Thiên Chúa lệ thuộc vào trách nhiệm này, trách nhiệm mà họ thực thi bằng cách chăm sóc đến thế giới và anh chị em của mình. Đó là món nợ thường hằng của con người. Họ trả được món nợ ấy bằng cách đang khi họ chăm sóc tạo thành nhân danh và thay cho Thiên Chúa, họ vẫn còn đối thoại với Ngài.

Vì thế con người theo Thánh Kinh sống trước tôn nhan Thiên Chúa với một món nợ thường hằng phải đáp trả. Kẻ có được cuộc đời mình nhờ Lời Chúa thì không thể giữ im lặng trước tôn nhan Ngài; người tín hữu câm lặng trước tôn nhan Thiên Chúa thì đã không còn sống cho Thiên Chúa; Ngài đã tưởng nghĩ chúng ta khi lên tiếng, và chúng ta là hình ảnh của Ngài khi chúng ta đối thoại với Ngài: chỉ kẻ chết mới không thể tưởng nhớ Ngài, chỉ kẻ chết mới không ca ngợi Ngài (x. Tv 6,6; 88,11-13; Is 38,18). Mọi sự cuộc đời cống hiến cho chúng ta đều có thể là lý do để ta cầu nguyện.12 Và chúng ta có trách nhiệm phải chu toàn trách vụ đó: không một trạng huống nhân sinh nào hiện hữu mà lại không đáng phải bàn, phải nói lên và chia sẻ với Thiên Chúa. Không một nhu cầu nào của anh chị em chúng ta hoặc không một người anh chị em thiếu thốn nào của chúng ta mà chúng ta không phải đáp trả. Chúng ta nhớ rằng Cain không muốn nói đến em mình là Abel. Thực thế, Cain đã tuyên bố rằng mình không muốn lên tiếng nói về Abel bởi vì mới trước đó, hắn đã ra tay tước đi mạng sống của em mình: tội giết người ấy đã đi trước việc không muốn nói đến em mình.

Ơn gọi, một trách vụ kéo dài cả đời

Đối với người tín hữu cuộc đời không phải là một vấn đề ngẫu nhiên và càng không là kết quả của ý muốn phàm nhân: mỗi cuộc đời đều được Thiên Chúa muốn; Thiên Chúa chỉ định một vị trí, một trách vụ cho mỗi cuộc đời trong kế hoạch cứu độ của Ngài. Bất kỳ ai hiện hữu đều được Thiên Chúa muốn; cuộc sống đó có một ý nghĩa ít ra là do có Thiên Chúa, và một cuộc đời như thế chỉ đạt được ý nghĩa sung mãn của mình từ Thiên Chúa. 

Ơn gọi, sứ mệnh từ cuộc đối thoại

Không phải là ngẫu nhiên mà mỗi khi Thánh Kinh miêu tả việc Thiên Chúa lên tiếng gọi, thì câu chuyện lại trở thành bản tường trình về cuộc đàm thoại hay đối thoại mà Thiên Chúa khởi sự với kẻ Ngài đã chọn: Thiên Chúa dần dần mặc khải kế hoạch mà Ngài dành cho người ấy, và Ngài làm cho kẻ đó biết rằng Ngài tin là họ sẽ thực hiện thành công kế hoạch đó.

  Không hề mong đợi, và phần mình cũng chẳng có công lao gì, thậm chí còn thiếu hẳn, người được chọn bỗng thấy mình được ban cho một trách vụ và một lối sống được ấn định cho mình: một lối sống liên quan tới việc khai sinh một dân tộc (Abram: St 12,1-4), giải phóng dân tộc mình (Môsê: Xh 3,1-4,23), thụ thai (Maria: Lc 1,26-38) hay một lời mời gọi sống với Đức Giêsu (v.d. bốn môn đệ đầu tiên: Mc 1,16-20). Sứ mệnh được trao ban không tương ứng với những khả năng của những kẻ được gọi, thường nó không nằm trong dự định của họ; Abram hay Đức Maria không thể nghĩ rằng mình sẽ có con cái theo như lời hứa (St 15,2-3; Lc 1,34). Thường thì sứ mệnh được trao ban lại không ăn khớp với hoạt động hay nghề nghiệp đang đảm nhận. Môsê đang chăn chiên thuê; cũng tương tự như thế, các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu đang làm nghề chài lưới với những công việc rất khác với những công việc mà họ được mời gọi dấn thân, nghĩa là lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc (Xh 2,21-3,1), tức trở thành những kẻ lưới người cho vương quốc Thiên Chúa (Mc 1,16.19). 

Vì biết rằng cuộc đời mình là thành quả quyết định của Thiên Chúa, người tín hữu trong Thánh Kinh không chấp nhận những cái gọi là may hay rủi. Bao lâu họ sống, có một Đấng vào một lúc nào đó đã tự do muốn có họ và đã tạo dựng nên họ vào một thời điểm nhất định, việc đó sẽ làm cho họ không bao giờ thôi cảm nhận là họ đang được yêu mến. Họ không để mình bị trói buộc bởi định mệnh hoặc quỵ ngã trước những giông bão bất ưng. Song chính vì lý do này, họ không tự tạo nên cuộc sống mình, hoặc tự mình lên những kế hoạch cho cuộc đời mình. Họ không phải là ông chủ của chính mình. Họ lệ thuộc vào ý muốn của Đấng đã yêu họ đến mức muốn cho họ sống và trở nên giống Ngài. Vì vậy chính cuộc đời họ cho thấy rằng họ nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa và kế hoạch đó phải được thực thi. Chính cuộc hiện hữu của họ minh chứng rằng Thiên Chúa đã có trước một kế hoạch dành cho họ. Cuộc đời luôn luôn là sứ mệnh, song trước tiên, đó là vì cuộc đời đã là tặng phẩm, là ân sủng, bởi lẽ không phải tự dưng mà ta được thừa hưởng hoặc là Thiên Chúa phải trả cho ta.

Sứ mệnh, nơi chốn thân thương và lý do để phải đào luyện

Thiên Chúa có thể sắp xếp rất hay cuộc đời của một người vì chính Ngài đã ban cuộc sống cho người đó. Rất nhiều trình thuật ơn gọi trong Thánh Kinh đã cho thấy rõ nét đặc trưng này của Thiên Chúa hằng sống: Thiên Chúa mặc khải cho kẻ được gọi rằng Ngài tin tưởng họ, bất kể họ là thế nào, và thậm chí đôi lúc còn nghịch lại ý muốn của họ. Dù có nêu lên bao lời cưỡng chống, kẻ được gọi vẫn không thể tránh né tiếng gọi. Trừ phi Thiên Chúa rút lại lời Ngài mời gọi, kẻ được sai sẽ mãi là như thế; thậm chí dù chạy trốn Thiên Chúa, người đó không thể thoát khỏi Ngài, thoát khỏi ý muốn của Ngài, như Giona đã trải nghiệm (Gn 1,1-3,3). Song còn nghiêm trọng hơn, đã có hơn một người cảm thấy rằng cuộc đời mình đã bị cất mất khỏi mình, mình bị bắt chẹt và bị áp đặt một sứ mệnh, một sứ mệnh không hề nằm trong tính toán của họ cũng như không hợp với khả năng của họ. như trường hợp Giêremia (Gr 1,5) và cả Phaolô (Gl 1,15) đã cho thấy.

Khi đối thoại với họ, Thiên Chúa thỏa thuận với những người Ngài gọi. Bằng cách ngỏ lời kêu gọi ai đó, Thiên Chúa sẽ biến người được chọn thành người đối thoại. Trong khi ngỏ lời với kẻ được gọi, Thiên Chúa mặc khải cho họ việc Ngài muốn họ và tại sao Ngài lại muốn họ. Khi chấp nhận tiếng gọi của Thiên Chúa, kẻ được gọi chỉ biết được rằng họ sẽ được dành cho tha nhân: hẳn chắc là khi kêu gọi, Thiên Chúa của Thánh Kinh muốn người được gọi vì chính họ, nhưng cũng là vì những người khác nữa. Người được gọi thấy ngạc nhiên trước điều này: họ phải nỗ lực đáp trả lại Thiên Chúa vì ơn gọi họ nhận được bằng cách cố gắng đáp trả những nhu cầu của những người mà họ được sai tới. Thiên Chúa gọi họ để ở với Ngài và để sai họ ra đi: tình bạn mật thiết với Ngài và sứ mệnh phục vụ tha nhân chính là cách sống, là hệ quả và là dấu chứng của sự chọn lựa đó. Mọi sự ta làm để học biết trở nên bạn hữu chứ không phải là tôi tớ của Chúa, để thực thi sứ mệnh, sửa soạn chính mình cho sứ mệnh và đồng nhất chính mình với sứ mệnh đó, đấy chính là đào luyện. Đào luyện của người Salêdiêng tự bản chất vừa là đào luyện tu sĩ vừa là tông đồ bởi vì nó được sứ mệnh hướng dẫn và thúc đẩy.

Lời đáp trả duy nhất Đấng lên tiếng gọi xét có giá trị là những gì thực hiện tiếng gọi của Ngài, nghĩa là người được gọi đáp trả bằng cách hiến mình phục vụ những ai mà Thiên Chúa đã dành cho họ khi kêu gọi họ đích danh. Như vậy, chấp nhận và sống ơn gọi hàm ẩn một đời sống vâng phục trách vụ đã tiếp nhận: toàn tâm toàn ý phục vụ người trẻ chính là lời đáp trả Thiên Chúa mong đợi từ người Salêdiêng. Hẳn không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên suông khi chúng ta mất đi sự ưa thích và khao khát cầu nguyện thì chúng ta cũng mất đi cảm thức về bổn phận của chúng ta đối với giới trẻ. Và cũng không lấy làm ngạc nhiên khi mọi nỗ lực tách ta ra khỏi sứ mệnh Salêdiêng đều làm cho việc cầu nguyện cộng thể của chúng ta đâm ra nghèo nàn và khó khăn. Đấy không phải là Thiên Chúa làm chính Ngài xa cách chúng ta hay ngăn cản chúng ta không được cảm thấy gần gũi Ngài, cho bằng chính chúng ta tự xa cách với giới trẻ và chúng ta không thể gần gũi được với những vấn đề của chúng. Chúng ta thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi chính do khi nào chúng ta từ bỏ "sứ mệnh cảm thấy mình 'thoải mái' giữa những người trẻ nghèo khổ".13

Là Salêdiêng chúng ta mắc nợ Thiên Chúa và giới trẻ. Món nợ này nảy sinh từ hồng ân đã tiếp nhận: nó hiện hữu và được nâng đỡ bởi ơn gọi, và được củng cố qua một nền đào luyện "thích đáng và liên tục" (HL 96). “Ngập chìm trong thế giới và trong những mối bận tâm của đời mục vụ, người Salêdiêng học biết gặp gỡ Thiên Chúa nơi những người mà họ được sai tới" (HL 95). Đào luyện tiên vàn và cơ bản hệ tại ở tiến trình học biết này. Mục tiêu là gặp gỡ được Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta sống khi chúng ta đáp lại tiếng gọi; con đường dẫn tới thành công và những chọn lựa phương pháp ta thực hiện cấu thành nên tiến trình đào luyện mà mỗi người được chọn đích thân sống. Không nhất thiết phải bỏ đi cuộc đời mỗi người đang sống, nếu đây là lời đáp trả lại ơn gọi của mình. Song hễ khi nào chúng ta không ý thức được là mình đang đứng trước Nhan Chúa và thi hành những gì Ngài ủy thác cho ta, thì lúc đó chẳng có việc đào luyện nào, cho dù ta có học hành nhiều đến đâu hoặc cho dù ta đã trải qua bao nhiêu năm trời trong 'những nhà và giai đoạn đào luyện'.

2.2 Đào luyện: ân sủng như một trách vụ

Rõ ràng là chúng ta không bàn đến ơn gọi và đào luyện theo nghĩa trừu tượng. Như chúng ta đã thấy ngay từ đầu, cả ơn gọi lẫn đào luyện đều phải đối diện với những thách đố riêng của mình mà theo cha, những thách đố này nảy sinh từ bối cảnh văn hóa lịch sử chúng ta đang sống và từ thể thức Giáo Hội và Tu Hội hiện diện.

Xét về bối cảnh xã hội, có một vài khía cạnh âm thầm "tác động mật thiết đến kinh nghiệm ơn gọi": một bên là giá trị của cá nhân, còn bên kia là chủ nghĩa chủ quan và cá nhân; một bên, phẩm giá của phụ nữ và còn bên kia, tính hàm hồ trong khóe nhìn về họ; một bên, lượng định lại giá trị phái tính, còn bên kia, là một số những diễn đạt phái tính thật méo mó ; một bên, sự phong phú của chủ thuyết đa nguyên, còn bên kia, chủ thuyết tương đối và sự yếu kém của tư duy; một bên, giá trị của tự do, còn bên kia, sự tùy tiện; một bên, tính phức tạp của đời sống, còn bên kia, sự phân mảnh; một bên, toàn cầu hóa, còn bên kia, chủ nghĩa địa phương; một bên, khao khát rất lớn về thiêng liêng, còn bên kia, chủ thuyết trần tục.14

Xét về Giáo Hội, Giáo Hội muốn đáp lại những thách đố của thời đại này với nỗ lực Tân phúc âm hóa. Tân Phúc Âm hóa đòi phải có con người mới để loan báo Tin mừng; người đó làm cho Đức Kitô thành chủ thể và nội dung của việc rao giảng của mình, làm cho mầu nhiệm thập giá thành tiêu chuẩn về tính chân thực của Kitô giáo, Tin mừng thành sức mạnh và ánh sáng của mình. Bằng cách này họ có thể nối kết hài hòa việc loan báo Tin mừng, thăng tiến nhân bản, văn hóa Kitô hữu, và cổ xúy cuộc đối thoại văn hóa, đại kết và liên tôn. 

Riêng phần mình, từ Công đồng Vatican II trở đi, Tu Hội cố gắng làm cho mình hợp thời để đáp lại những thách đố này và cam kết để canh tân kinh nghiệm ơn gọi và thực hành đào luyện của mình. Từ quan điểm này, Ratio hẳn không chỉ là một văn kiện.

Trực giác nền tảng của Ratio liên quan đến căn tính đoàn sủng việc đồng nhất hóa với ơn gọi. Chúng ta thâm tín rằng nếu qua đào luyện chúng ta đảm bảo có được một căn tính Salêdiêng rõ ràng, thì các hội viên sẽ cảm thấy mình được trang bị một loạt các giá trị, thái độ và tiêu chuẩn để giúp họ đối diện được với văn hóa ngày nay và thực thi sứ mệnh Salêdiêng cách hiệu quả. Vậy, cha muốn bàn đến đề tài đào luyện theo quan điểm này.

Tiếng gọi của Thiên Chúa đặt giới trẻ ở trung tâm lời đáp trả ơn gọi của chúng ta. Tiếng gọi ấy đòi buộc chúng ta phải sống một loại linh đạo đặc thù vốn cần đến một nền đào luyện chuyên biệt: "Chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta nơi giới trẻ để cống hiến cho chúng ta ơn gặp gỡ Ngài và làm chúng ta sẵn sàng phục vụ Ngài nơi chúng".15 Vì chúng ta không thể hiểu được kinh nghiệm của mình về Thiên Chúa nếu như không quy chiếu đến giới trẻ mà Thiên Chúa sai chúng ta đến, thì cũng như thế, chúng ta không thể nào thực thi việc đào luyện chúng ta mà không có một cuộc đời được sống vì người trẻ: " Bản chất tu sĩ tông đồ của ơn gọi Salêdiêng xác định đường hướng chuyên biệt cho việc đào luyện của chúng ta" (HL 97).

Người Salêdiêng biết rằng đời sống tông đồ của mình tạo thành nơi chốn đặc biệt và lý lẽ cốt lõi cho cuộc đối thoại của họ với Thiên Chúa: vì Thiên Chúa đã ban trách vụ đó cho họ suốt đời, thì chính trong việc họ đồng hóa bản thân mình với trách vụ ấy và thực hiện nó, họ mới có thể đáp trả lại Ngài. "Tiếng gọi của Thiên Chúa chạm đến họ khi họ sống sứ mệnh của mình giữa giới trẻ; thông thường đó là nơi chốn họ bắt đầu theo Đức Kitô. Trong sứ mệnh những tặng phẩm họ nhận được qua ơn thánh hiến được thể hiện, được biểu lộ và phát triển. Một chuyển động tình yêu duy nhất kéo họ tới Thiên Chúa và hướng họ tới giới trẻ (x. HL 10). Họ biến hoạt động giáo dục của mình giữa giới trẻ thành một hành vi thờ phượng và là nơi có thể dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa".16

Đào luyện chính là quyết tâm thực hiện được điều này. Thực vậy, "đào luyện Salêdiêng có nghĩa là việc đồng nhất chính mình với ơn gọi mà Thần Khí đã khơi lên qua Don Bosco, là sở hữu được khả năng của ngài để chia sẻ với những người khác, và được soi dẫn từ thái độ và phương pháp đào luyện của ngài".17

Căn tính đoàn sủng và việc đồng nhất hóa với ơn gọi

Làm cho chính mình nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô và tiêu hao đời mình cho giới trẻ, như Don Bosco đã làm"; "ơn gọi của người Salêdiêng", căn tính của họ vắn gọn là như thế. "Tất cả đào luyện của chúng ta, cả ban đầu lẫn liên tục, hệ tại ở việc thủ đắc và hiện thực được căn tính này nơi từng cá nhân và cộng thể". Nó là "nguồn phát xuất tiến trình đào luyện của chúng ta và là điểm quy chiếu thường hằng của đào luyện". Căn tính Salêdiêng là "cốt lõi"18 là "chuẩn mực và mục đích của đào luyện chúng ta". Nói cách khác, căn tính Salêdiêng của chúng ta làm nên đặc trưng cho việc đào luyện của chúng ta - vốn không thể mang tính chung chung. Căn tính ấy xác định những trách vụ và những đòi hỏi nền tảng".19

Mục tiêu của đào luyện

Đào luyện mình có nghĩa là mình đã biết hình thức đời sống mà mình được kêu gọi sống và đồng nhất hóa chính mình một cách sung mãn hơn với đời sống ấy. Như ta đã nói, trong đời sống thánh hiến, đào luyện không đồng nghĩa với thời kỳ học hành trước khi tuyên khấn hay chịu tác vụ linh mục, là quãng thời gian hạn hẹp và không thể lập lại. Đúng hơn, đào luyện là liên tục, không bao giờ ngừng và "phải kéo dài suốt đời và liên quan đến toàn thể con người, cõi lòng, tâm trí và sức lực (x. Mt 22:37) đang khi uốn nắn người đó ngày càng nên giống Chúa Con tận hiến mình cho Chúa Cha vì phần ích của nhân loại".20

Thực thế, chính qua đào luyện mà chúng ta đạt được căn tính Salêdiêng của mình và thủ đắc được sự trưởng thành cần thiết để sống và làm việc cho phù hợp với đoàn sủng đã sáng lập. Khởi đi từ một tình trạng nhiệt tâm ban đầu đối với Don Bosco và sứ mệnh của ngài dành cho giới trẻ, chúng ta đạt tới được một sự đồng hình đồng dạng chân thật với Đức Kitô và đồng nhất hóa mạnh mẽ hơn với Đấng Sáng lập của chúng ta; chúng ta ôm ấp Hiến Luật như Luật đời sống và thẻ căn tính của chúng ta, và phát triển một cảm thức mạnh mẽ thuộc về Tu Hội và cộng thể Tỉnh".21

Điều chúng ta được gọi để trở thành xác định những nỗ lực mà chúng ta phải thực hiện; căn tính đoàn sủng là nguyên nhân hướng dẫn công việc đồng nhất hóa nói trên của cá nhân cũng như cộng thể; và đào luyện chính là làm công việc ấy. Nói cách khác, chính ơn gọi Salêdiêng quyết định những mục tiêu đào luyện sống đời Salêdiêng; xét tận cùng, chính Thiên Chúa là Đấng kêu gọi chúng ta đảm nhận những trách vụ này:

1º.  Được sai tới giới trẻ: làm cho chính mình đồng hình đồng dạng với Đức Kitô vị Mục tử Nhân lành

Như Don Bosco, người Salêdiêng có tiêu điểm đầu tiên và chính yếu trong sứ mệnh của mình là "giới trẻ nghèo, bị bỏ rơi và gặp nguy hiểm", những người cần tình yêu và sự loan báo Tin mừng hơn cả" (HL 26).22

Chính trong việc đáp lại sứ mệnh này mà chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, vị Mục tử Nhân lành,23 với hoa trái và dấu đảm bảo tự nhiên là đức ái mục tử. Đối với người Salêdiêng, yêu mến giới trẻ như Đức Kitô yêu mến họ "trở thành một kế hoạch đời sống". Những gì họ đảm trách để biểu thị tình yêu của Thiên Chúa dành cho giới trẻ sẽ đồng nhất họ với Đức Kitô, vị tông đồ của Chúa Cha (x. HL 2: trong Giáo Hội để là dấu chỉ và người mang tình yêu Thiên Chúa. "Chính qua giới trẻ mà Chúa đi vào để chiếm chỗ thứ nhất trong đời sống của người Salêdiêng, và những khát mong của Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc, tìm thấy một âm vang trong châm ngôn, Da mihi animas, coetera tolle, là điều làm cho toàn thể đời sống của họ nên thống nhất".24

Người Salêdiêng làm cho chính mình nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua việc thực thi sứ mệnh của mình vốn là thước đo vững chắc và rạch ròi",25 và với một 'trái tim nguyện xá',26 nỗ lực đáp lại những nhu cầu của giới trẻ với trí tưởng tượng và nhạy bén của nhà giáo dục. Chính trong đời sống hằng ngày của chúng ta chứ không phải trong những hoạt động đặc biệt hay lạ thường, "trong thực tại của đời sống hằng ngày, người Salêdiêng biến căn tính của mình là một vị tông đồ của giới trẻ trở thành một kinh nghiệm sống động".27

2º.  Trở nên anh em do một sứ mệnh duy nhất: làm cho đời sống chung trở thành nơi chốn và đối tượng của đào luyện

Đối với người Salêdiêng chúng ta, cùng nhau sống và làm việc là một đòi hỏi nền tảng và một đường lối vững chắc để thực hiện ơn gọi chúng ta” (HL 49). Thực thế, đối với chúng ta, sống sứ mệnh theo đường lối cộng thể không phải là một vấn đề ta có quyền chọn lựa; chúng ta không được tự do để chấp nhận hay không chấp nhận, chúng ta không thể tách ra khỏi cộng thể theo ý mình thích; đấy cũng không phải là một chọn lựa được thực hiện vì những lý do sách lược nhằm đạt được nhiều hiệu quả tông đồ hơn. "Đó là một trong những nét đặc trưng nhất của căn tính Salêdiêng. Người Salêdiêng được gọi sống với những người anh em cũng được thánh hiến như họ để cùng nhau làm việc cho vương quốc Thiên Chúa giữa giới trẻ".28

Do ơn gọi, người Salêdiêng là "một phần tử sống động của một cộng thể", và "họ vun trồng một cảm thức sâu xa thuộc về cộng thể": "Trong tinh thần đức tin và với sự hỗ trợ thân hữu, người Salêdiêng sống tinh thần gia đình trong cộng thể của mình, ngày ngày góp phần làm tăng trưởng sự hiệp thông giữa tất cả các phần tử. Thâm tín rằng sứ mệnh được trao phó cho cộng thể, họ cam kết cùng làm việc với các hội viên theo một kế hoạch toàn diện và một chiến lược chung".29

Vì "hấp thụ tinh thần Salêdiêng tự căn bản là một việc thông truyền đời sống” (QC 85),  thế nên, như việc đồng nhất hóa với đoàn sủng Salêdiêng, đào luyện lại rất cần sự thông truyền ấy, và có "cộng thể là như bối cảnh tự nhiên của nó".30 Thêm vào việc là "môi trường tự nhiên để ơn gọi tăng trưởng", "chính nếp sống của cộng thể, hiệp nhất trong Đức Kitô và mở rộng trước nhu cầu thời đại, đã mang tính chất đào luyện" (HL 99). Sống trong và vì cộng thể là sống trong đào luyện.

3º.  Được thánh hiến do Thiên Chúa: làm chứng cho tính triệt để của Tin mừng

Sứ mệnh tông đồ, cộng thể huynh đệ và việc thực hành các Lời Khuyên Phúc Âm là những yếu tố bất khả phân của sự thánh hiến chúng ta” (HL 3).

Đời sống thiêng liêng của người Salêdiêng là một kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa vốn được nâng đỡ bởi, và đến lượt mình, lại nâng đỡ, một hình thức sống hoàn toàn dựa trên các giá trị Tin mừng (x. HL 60). Vì lẽ này, người Salêdiêng ôm ấp lối sống vâng phục, nghèo khó và thanh khiết mà Chúa Giêsu đã chọn cho chính mình khi sống trên trần... Khi lớn lên trong sự triệt để của Tin mừng, người Salêdiêng cống hiến cho nó một chiều hướng tông đồ mãnh liệt, biến cuộc đời mình thành một sứ điệp giáo dục, được ngỏ cách riêng cho giới trẻ; họ công bố rằng "Thiên Chúa hiện hữu và tình yêu Ngài có thể lấp đầy một cuộc sống. Nó cũng làm chứng rằng nhu cầu yêu thương, sự ham muốn sở hữu và quyền tự do để định đoạt về cuộc sống mình đạt được ý nghĩa tột đỉnh nơi Đức Kitô Cứu Chúa" (HL 62)”.31

Như vậy, ngoài việc là một sứ điệp và phương pháp loan báo Tin mừng,32 việc thực hành các lời khuyên phúc âm “là dấu hiệu cho căn tính của họ và là bản kiểm định việc đào luyện".33 

4º.  Cùng chia sẻ ơn gọi và sứ mệnh: sinh động những cộng thể tông đồ theo tinh thần của Don Bosco

Người Salêdiêng không thể suy nghĩ về ơn gọi của mình cách đầy đủ trong Giáo Hội mà không quy chiếu tới những người cùng với họ thông phần vào việc thực thi ý muốn của Đấng Sáng lập. Qua việc tuyên khấn, họ gia nhập Tu Hội Salêdiêng và trở thành phần tử của Gia đình Salêdiêng";34 trong đó họ có trách nhiệm đặc biệt: "gìn giữ sự hiệp nhất tinh thần, khích lệ sự đối thoại và cộng tác huynh đệ nhằm làm phong phú cho nhau và đạt tới hiệu năng tông đồ lớn lao hơn." (HL 5).

Do sự kiện phải là như thế, "mọi Salêdiêng phải là người sinh động và luôn cố gắng hoàn thành trách vụ này một cách hữu hiệu hơn":35 việc đáp lại chính ơn gọi của mình làm cho họ nên đồng trách nhiệm đối với đoàn sủng Salêdiêng mà những phần tử của Gia đình Salêdiêng đang sống theo những cách thức khác nhau. "Đào luyện cống hiến cho người Salêdiêng một cảm thức mạnh mẽ về căn tính đặc thù của chính mình, mở rộng họ hướng đến sự hiệp thông trong tinh thần và sứ mệnh Salêdiêng với những phần tử của Gia đình Salêdiêng đang sống những ơn gọi khác nhau... Sự hiệp thông càng mạnh mẽ thì mỗi người sẽ càng hiểu rõ ràng căn tính của mình, càng kính trọng, và càng được hưởng lợi hơn từ những ơn gọi khác nhau của mình'36... Đào luyện hiệp thông trong những giá trị Salêdiêng hẳn gia tăng ý thức của chúng ta về trách vụ sinh động bất kỳ điều gì liên quan đến đoàn sủng chúng ta và chuẩn bị chúng ta cho đoàn sủng ấy".37

5º.  Trong lòng của Giáo Hội: xây dựng Giáo Hội, bí tích cứu độ

Ơn gọi Salêdiêng định vị chúng ta trong lòng Hội Thánh” (HL 6): “Vì thế, kinh nghiệm thiêng liêng của người Salêdiêng là một kinh nghiệm về Giáo Hội".38 Nếu đối với Don Bosco yêu mến Giáo Hội là một nét đặc trưng trong đời sống và sự thánh thiện của ngài, thì đối với Salêdiêng chúng ta, đó "là cách thức chúng ta sống Giáo Hội cách mãnh liệt".39 

Người Salêdiêng trở thành như thế bằng cách tăng trưởng cảm thức thuộc về Giáo Hội,40 dấn mình vào những quan tâm và vấn đề của Giáo Hội, làm việc trong những chương trình mục vụ của Giáo Hội và làm cho giới trẻ can dự vào những điều đó, sống trong sự hiệp thông chân thành với Đức Giáo hoàng và với những ai đang làm việc cho Vương quốc (x. HL 13).41

6º.  Rộng mở trước thực tại: hội nhập đoàn sủng vào văn hóa

Ơn gọi của người Salêdiêng đòi phải "rộng mở và phân định khi đối diện với những thay đổi đang xảy ra trong đời sống của Giáo Hội và thế giới, cách riêng giữa giới trẻ và giới lao động".42 Như Don Bosco, người Salêdiêng nhìn tình trạng lịch sử "như được dệt vào cơ cấu của ơn gọi họ", "một thách đố và một lời mời gọi khẩn cấp phân định và hành động... Họ cố gắng hiểu những phát triển văn hóa đang xảy ra trong đời sống hằng ngày, nghiêm chỉnh suy tư và xem xét chúng trong ánh sáng của ơn cứu chuộc".43 Đối với chúng ta, giải thích thực tại theo những hạn từ Tin mừng, cách riêng thực tại của giới trẻ và giới lao động, là việc phải làm nếu như chúng ta muốn đáp trả cách thích đáng ơn gọi Salêdiêng: vì thế, đây là một phần bất khả khuyết trong quyết tâm đào luyện.  

Được gọi để nhập thể chính mình giữa giới trẻ thuộc một nơi chốn và văn hóa đặc thù, người Salêdiêng cần đến một nền đào luyện được hội nhập văn hóa. Qua phân định và đối thoại với tình trạng của chính mình, họ tìm cách thấm nhuần những nguyên tắc cuộc sống mình với những giá trị Tin mừng và Salêdiêng và ghi khắc kinh nghiệm Salêdiêng vào bối cảnh của chính mình. Mối liên hệ hữu hiệu này làm nảy sinh những lối sống và những lối tiếp cận mục vụ và sẽ hữu hiệu hơn theo mức độ chúng ăn khớp với đoàn sủng của đấng sáng lập và với tác động hiệp nhất của Thánh Thần (x. VC 80)”.44

Phương pháp đào luyện

Đáp lại lời mời của Đức Kitô Đấng kêu gọi một cách cá vị có nghĩa là làm cho những giá trị của ơn gọi chúng ta trở thành thực sự và sống động".45 Xem xét kinh nghiệm Salêdiêng có cả ngàn năm từ Don Bosco đến nay, về mặt lý thuyết, việc đồng nhất hóa những giá trị đoàn sủng có thể được coi là đã đạt! Song, thách đố lớn lao hơn mà ngày nay đào luyện phải đối diện chính là phương pháp đào luyện, là cách thức sao cho dự phóng ơn gọi trở thành kế hoạch đời sống cho cá nhân, là cách thức chuyển biến những giá trị từ chỗ được trân trọng thành những giá trị được sống thực, là cách thức biến đổi đoàn sủng Salêdiêng thành một thực tại thường nhật.

Được ơn gọi nhưng không thúc đẩy, đào luyện, trước khi là một tiến trình theo một phương pháp, là một kinh nghiệm sống ân sủng, một tặng phẩm được tiếp nhận với lòng tri ân và một trách nhiệm được đảm nhận xuyên qua cuộc đối thoại cá nhân với Thiên Chúa vốn không thể thoái thác: trên bình diện này, đào luyện là "ân sủng của Thần Khí, một thái độ cá nhân và khoa sư phạm dạy sống".46 Thâm sâu nhất, Thần Khí Thiên Chúa chính là tác giả của tiếng gọi đó và là 'Đấng đào luyện' chân thật duy nhất của kẻ được gọi: Ngài khởi sự một cuộc đối thoại với dự phóng của kẻ ấy và Ngài có thể nâng đỡ dự phóng đó bằng quyền năng của Ngài. Như thế, hoạt động đào luyện vẫn mở ngỏ trước mầu nhiệm của Thiên Chúa và của từng người; không có cuộc đối thoại nội tâm này thì chẳng có gì được đảm bảo; kinh nghiệm sống của bản thân chúng ta cũng như kinh nghiệm của chúng ta như những nhà giáo dục đã cho thấy rõ điều này.

Một số chọn lựa đã được thực hiện từ tính ưu tiên được công bố dành cho Thần Khí trong tiến trình đào luyện,47 từ kinh nghiệm giáo dục Salêdiêng, từ những hướng dẫn của Giáo Hội và Tu Hội, và từ việc phân tích tình trạng liên quan đến đào luyện trong vài năm vừa qua. Những chọn lựa ấy cho thấy "là cần thiết phải đạt được những mục tiêu của tiến trình đào luyện, và liên lỷ cổ xúy sự tăng trưởng của một ơn gọi".48 



1º.  Đạt tới từng cá nhân trong chiều sâu con người của họ



Đào luyện, "sự hấp thụ căn tính Salêdiêng nơi từng cá nhân"49 diễn ra qua việc sống như Don Bosco, hơn là làm việc như Don Bosco. Điều này buộc chúng ta phải ưu tiên tập trung các nỗ lực trong đào luyện vào việc nội tâm hóa kinh nghiệm chứ không chỉ giới hạn vào việc tiếp thu các kiến thức mới, hoặc lập lại những khuôn mẫu hành xử bề ngoài vốn không thực sự diễn đạt những giá trị chúng ta được mời gọi sống và chỉ là những hình thái thích ứng vào môi trường.50 Có hai nguy hiểm nếu không có sự nội tâm hóa. Một đàng, đào luyện bị giản lược vào hiểu biết thông tin mà thôi; việc hấp thụ các giá trị được coi là đã xong chỉ vì chúng thường được bàn đến. Đàng khác, hiểu biết thông tin được giản lược thành thích ứng, khi một phong thái sống được bắt chước song những động cơ thực sự của nó lại không được tiếp thu.

Nội tâm hóa những giá trị đoàn sủng tất yếu hàm ẩn phải có những động cơ sâu xa nơi cá nhân; điều này sẽ không thể đạt được nếu ta không làm cho những giá trị đoàn sủng trở thành những xác tín cá nhân. Chỉ khi nào có được những lý lẽ mạnh mẽ để trở thành điều chúng ta được gọi phải là, thì chúng ta mới có thể nhận ra những yếu tố làm thành đời sống Salêdiêng như là những giá trị, mới có kinh nghiệm về chúng và chấp nhận chúng đến mức làm chúng trở thành một lối hiện hữu hầu như là tự nhiên. Chính bằng cách này đào luyện mới đạt tới chiều thẳm sâu của con người, và chỉ như thế thì sự biến cải họ mới diễn ra.

Hơn nữa, ta có thể chỉ ra một khía cạnh đặc thù của khoa giáo dục Salêdiêng là nó bắt đầu từ con người cụ thể, từ lịch sử cá nhân của họ, từ bước tiến mà họ đã làm trong những khía cạnh cá vị khác nhau. Nền giáo dục này tránh được cám dỗ là biến mọi người thành như nhau hoặc vì những mục tiêu thực tiễn lại đặt họ trên cùng một bình diện mà không tôn trọng các nhịp điệu của tiến trình trưởng thành nơi từng cá nhân. Điều này kéo theo trách vụ giúp người đó hiểu biết và chấp nhận chính mình, ý thức về những xác tín của mình và đưa chúng ra phân định như là điều kiện cốt yếu để xây dựng dựa trên sự thật về chính mình và trên sự chấp nhận chính mình. Nó cũng hàm ẩn một sự hiểu biết chính xác về những nhu cầu của con người đó và phác thảo ra được một hành trình thích hợp. Cuối cùng nó hàm ẩn đề xuất minh bạch về dự phóng sống đời Salêdiêng, với tất cả những đòi hỏi của cuộc đời này, và không chấp nhận loại hứng khởi dễ dãi hay những cảm xúc chóng qua.

Hiểu biết chính mình tự nó đã là một giá trị, và trong bối cảnh đào luyện bản thân, nó khiến người ấy kinh nghiệm được sự đối chiếu giữa bản thân mình và căn tính ơn gọi người ấy được mời gọi đảm nhận. Như thế ta mới có thể hình thành nên một diện mạo mà người đó muốn được đồng nhất (tức là Đức Kitô theo phong cách của Don Bosco, hay như lời Thánh Phaolô diễn tả: "Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Kitô"). Và khởi từ diện mạo này, một kế hoạch tăng trưởng thiêng liêng có thể được phác họa, cổ võ việc đồng nhất ấy ngày càng được thăng tiến mà theo logic, là sẽ không kết thúc và sẽ có giá trị cho toàn cuộc sống.

Nhân sự chịu trách nhiệm hàng đầu cho việc đồng nhất hóa nội tâm này chính là người được kêu gọi. Đây không phải là một trách vụ có thể ủy thác hay chần chờ: không ai khác có thể đảm trách việc này thay cho người được kêu gọi, hoặc người này có thể thực thi nó chỉ khi nào họ muốn. Chính bởi vì họ được gọi, và để đáp lại tiếng gọi đó, người được gọi phải hoàn toàn tham dự quyết liệt vào việc đồng nhất hóa nội tâm này với lòng quảng đại, đầy xác tín và nhiệt tâm. Dần dần người đó sẽ tăng trưởng cảm thức thuộc về gia đình mà họ muốn là phần tử và sẽ cảm thấy như được ở trong nhà mình.51

2º.  Sinh động kinh nghiệm đào luyện thống nhất

  Đào luyện buộc phải diễn ra qua một tiến trình lâu dài và khác biệt, trong những cộng thể khác nhau và với những người hữu trách khác nhau. Để đào luyện trở thành một kinh nghiệm được hội nhập và cá vị hóa, nhất thiết ta phải hiểu và thực thi nó như một dự phóng độc nhất, diễn ra trong một tiến trình duy nhất, mặc dù trên thực hành những yếu tố và những điểm nhấn có thể khác biệt theo từng giai đoạn khác nhau của đời sống Salêdiêng. Soạn ra dự phóng ấy là trách nhiệm của cộng thể:52 nó vượt quá những sở thích hay nhu cầu cá nhân và phải chuyển giao đoàn sủng Đấng Sáng lập một cách sư phạm sao cho người ta tiếp cận được.

Để tránh "nguy cơ biến đào luyện thành một tập hợp những hoạt động lẻ tẻ và rời rạc, tùy thuộc vào những con người hay nhóm đảm trách riêng",53 đào luyện cần phải được nghĩ đến như một dự phóng thống nhất chặt chẽ và được sống theo não trạng kế hoạch. Kế hoạch đó bao gồm tất cả những gì khách quan cấu thành đoàn sủng Salêdiêng (những mục tiêu tổng quát), những gì bao trùm toàn bộ tiến trình đào luyện, cũng như những gì đào luyện can dự vào từng giai đoạn nhằm thực hiện kế hoạch này (các mục tiêu của từng giai đoạn, những chiến lược thể hiện và các phương pháp lượng giá).54

Vì tiến trình đào luyện là để phục vụ từng cá nhân,55 việc họ đạt đến trưởng thành đòi hỏi những giai đoạn thời gian theo 'tâm lý' hơn là theo niên biểu. Vì vậy, chúng ta hãy bỏ sang một bên một ý kiến nào đó cho rằng ta không thể lượng giá các mặt tinh thần. Đào luyện được lượng giá dựa trên mức thành đạt các mục tiêu đào luyện đã được đề xuất. Trong đào luyện vấn đề không phải là cứ qua được những giai đoạn và hoàn tất chương trình học mà phải là hội nhập được những giá trị và luôn duy trì được sức hăng say trong ơn gọi. Một giai đoạn đào luyện này phải chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp. Việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác phải được quyết định "do việc sở đạt những mục tiêu chứ không phải là do đã qua thời kỳ hay chương trình học tập. Nhịp điệu tăng trưởng ơn gọi được duy trì để không sa sút nỗ lực là do việc dần dần gia tăng các trách nhiệm và lượng giá đúng lúc".56

Như trong mọi tình trạng giáo dục, người 'được gọi' là người đem lại tính duy nhất cho mọi trình tự, những động cơ, những hoạt động, vì chỉ mình họ mới có thể hòa hợp mọi sự một cách chặt chẽ với dự phóng sống đời tông đồ Salêdiêng như Don Bosco đã sống, - theo diễn tả của Don Rua - "Ngài đã không đi một bước, không nói một lời, không bắt tay vào một việc mà không nhắm cứu vớt giới trẻ. Thật sự ngài không chú tâm vào điều gì khác ngoài các linh hồn" (HL 21).

3º. Đảm bảo môi trường đào luyện và việc đồng trách nhiệm của mọi người

Việc hấp thụ tinh thần Salêdiêng tự căn bản là việc thông truyền đời sống” (QC 85). Như Đức Giêsu với các môn đệ đầu tiên (Mc 3,13-14; x. Pastores dabo vobis, 60), và như Don Bosco với những Salêdiêng đầu tiên,57 đào luyện phải xảy ra trong một bầu khí đối thoại ơn gọi, hằng ngày kinh nghiệm việc cùng chung sống và chia sẻ trách nhiệm.

Trách nhiệm hàng đầu rõ ràng thuộc về kẻ được gọi vốn là "tác nhân tất yếu và không thể thay thế trong việc đào luyện chính mình...tức là tự đào luyện.58Mỗi người Salêdiêng đảm nhận lấy trách nhiệm đào luyện bản thân” (HL 99). Họ là người phải học hiểu, chấp nhận và sống ơn gọi của chính mình và hành động theo đó. Họ làm điều này khi "đảm nhận Luật đời sống như điểm quy chiếu của mình và tham gia vào kinh nghiệm thường nhật và tiến trình tăng trưởng của cộng thể họ... Một trong những cách thực tiễn qua đó đó họ tỏ lộ trách nhiệm đối với đào luyện của mình là có một kế hoạch cá nhân cho chính đời sống của mình".59

Người Salêdiêng phải tìm thấy trong cộng thể mình " Môi trường tự nhiên để ơn gọi tăng trưởng... Chính nếp sống của cộng thể, hiệp nhất trong Đức Kitô và mở rộng trước nhu cầu thời đại đã mang tính chất đào luyện" (HL 99). Rõ ràng chỉ có một mức độ sống chung với nhau nào đó là không đủ; cộng thể là môi trường thích hợp để đào luyện khi làm cho mọi người cùng nhau dấn thân vào đào luyện, nghĩa là được tổ chức thế nào để cổ võ được trong chính cộng thể những mối tương giao liên vị sâu xa, lòng nhiệt tình tông đồ đồng trách nhiệm, kỹ năng chuyên môn, khả năng giáo dục, một đời sống cầu nguyện đầy khích lệ, một phong thái sống theo Tin mừng cách chân chính, quan tâm đến sự tăng trưởng ơn gọi của từng hội viên, qua một dự phóng của bản thân song được chia sẻ, mở rộng trước những nhu cầu của Giáo Hội và giới trẻ, trong sự hài hòa với Gia đình Salêdiêng. Cách riêng, cộng thể cần phải trân trọng việc hằng ngày dấn thân cho cộng đoàn giáo dục mục vụ, coi đó là "không gian ưu tuyển cho sự tăng trưởng chân chính và đào luyện liên tục mãnh liệt".60

Hơn là một nơi chốn, một không gian vật chất", những cộng thể được dành riêng cho thời kỳ đào luyện ban đầu, phải là "một nơi chốn thiêng liêng, một lối sống, một bầu khí cổ xúy và đảm bảo được tiến trình đào luyện".61 Trên hết, theo quan điểm sư phạm, một cộng thể giáo dục đang hoạt động62 được đánh giá dựa trên phẩm chất kế hoạch đào luyện được tất cả mọi người soạn thảo và đồng lòng,63 đảm bảo được những điều kiện cần thiết sao cho kinh nghiệm đào luyện trở thành kinh nghiệm của cá nhân. Để đem kế hoạch chung ra thực hành hàng ngày sao cho có tính đào luyện, và để kiến tạo được một bầu khí thích hợp, có được nhóm nhân viên đào luyện tốt chính là "điều kiện thiết yếu và điểm chiến lược then chốt;64 những đóng góp của họ hữu hiệu là do họ sống và hành động không như những người hướng dẫn riêng lẻ song như một nhóm biểu thị được "lối nhìn" và thực hành đào luyện của Tu Hội và cùng chung những tiêu chuẩn phân định và phương pháp đồng hành trong giáo dục.

Trong đội ngũ đào luyện, Giám đốc cộng thể đóng vai trò then chốt. Và trong trường hợp là Giám đốc của một cộng thể đào luyện thì vai trò đó lại còn đòi hỏi hơn nữa"65 là vì ngài phải chịu trách nhiệm sinh động "sự tăng trưởng của các hội viên của mình trong ơn gọi của họ".66 Ngài chịu "trách nhiệm về tiến trình đào luyện cá nhân của từng hội viên. Ngài cũng là vị linh hướng được đề nghị, nhưng không được áp đặt trên các hội viên trong đào luyện".67 “Là cha, người thầy và vị linh hướng" (HL 55) của cộng thể đó, ngài cổ xúy một bầu khí đào luyện qua việc tạo nên một bầu khí chứa đựng những giá trị Salêdiêng, nhân bản và tông đồ, duy trì trong đó một thái độ đáp trả tiếng Chúa gọi và trong sự hài hòa với Giáo Hội và Tu Hội. Đang khi coi việc đối thoại cá nhân và linh hướng là những dịp đặc biệt để làm cho ơn gọi thành một vấn đề bản vị sâu xa, ngài thành lập và khuyến khích nhóm nhân viên đào luyện, và đồng quy nỗ lực của mọi người vào kế hoạch chung phù hợp với kế hoạch đào luyện của Tỉnh dòng".68

Cộng thể tỉnh được coi như "một cộng thể đào luyện nhưng cũng là một cộng thể đang được đào luyện". Đây quả là một cái nhìn thật mới mẻ! "Trách nhiệm đầu tiên của cộng thể tỉnh trong lãnh vực đào luyện là cổ xúy - qua một sự thông giao sống động - sự tăng trưởng của các hội viên, nhất là của tất cả những người trong đào luyện ban đầu, trong căn tính Salêdiêng của họ. Vì thế cộng thể tỉnh có được động cơ mạnh mẽ hay không, có nhiệt tâm trong những gì mình làm hay lại là uể oải, hẳn sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn.

Bầu khí cầu nguyện và chứng tá, ý thức về trách nhiệm chung và rộng mở trước các tình trạng và các dấu chỉ thời đại, chu toàn các trách vụ thuộc sứ mệnh Salêdiêng với lòng nhiệt tâm thiêng liêng và khả năng, môi trường hằng ngày cống hiến những tiêu chuẩn và những khích lệ để trung thành, mạng lưới những mối liên hệ thân tình và cộng tác giữa các cộng thể, giữa các cá nhân hội viên, giữa những nhóm của Gia đình Salêdiêng và với giáo dân được can dự vào trong cộng thể - tất cả những khía cạnh này làm nên khung cảnh tỉnh dòng đào luyện các hội viên. Một bầu khí như thế làm cho hội viên trong đào luyện có được một kinh nghiệm sống động về căn tính Salêdiêng của mình và tìm được sự nâng đỡ trên đường ơn gọi của họ".69

Sứ mệnh đào luyện này của Tỉnh dòng "không chỉ để suy nghĩ hay chỉ là một vấn đề do thiện chí ... nhưng phải là một nguyên lý tổ chức đời sống cũng như động viên toàn thực tại của Tỉnh dòng. Do những đòi hỏi từ ý thức về ơn gọi Salêdiêng và từ việc mọi người đồng trách nhiệm đối với sứ mệnh, sứ mệnh này được diễn tả thành Kế hoạch hữu cơ về đào luyện của Tỉnh dòng".70

4º.  Đem lại phẩm chất đào luyện cho kinh nghiệm hằng ngày

Được mời gọi sống nỗ lực đào luyện trong mọi hoàn cảnh," người Salêdiêng "cố gắng nhận ra tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong các biến cố, nhờ thế mà họ có được khả năng học hỏi từ cuộc sống. Họ coi các hoạt động thường nhật của mình có hiệu năng đào luyện" (HL 119). Thực thế, "khi được sống với mối quan tâm đến đào luyện, cuộc sống hằng ngày đưa chúng ta đến gần hơn sự thật về chính mình và cho chúng ta những cơ hội và sự khích lệ để hiện thực kế hoạch đời sống chúng ta".71

Đây là cách thức Đức Giêsu dạy các môn đệ Người: chia sẻ với họ cuộc sống, mệt nhọc và nghỉ ngơi khi đi đường lên Giêrusalem. Đời sống hằng ngày của Don Bosco cũng là một kinh nghiệm giáo dục như ngài đã gán "giá trị giáo dục cho những bổn phận hằng ngày trong sân chơi và trong trường học, trong cộng thể và trong Giáo Hội (x. HL 40), và cũng cho cách nhìn và giải thích những biến cố và cách đáp trả những tình trạng của giới trẻ, Giáo Hội và xã hội".72

Dù vậy, và đây là điều không thể chối cãi, đời sống hằng ngày tự nó mà thôi thì không mang tính chất đào luyện. Phải có một vài điều kiện thì nó mới có thể trở thành lối đường thực tiễn thường nhật cho việc đồng nhất hóa với ơn gọi:

l  Hiện diện giữa giới trẻ: "Đối với người Salêdiêng, gặp gỡ giới trẻ là một trường học đào luyện"; giao tiếp với giới trẻ và với thế giới của chúng "làm cho người Salêdiêng ý thức về nhu cầu phải có được khả năng giáo dục và nghiệp vụ, những năng khiếu mục vụ và việc cập nhật liên tục."73

2  Sứ mệnh phục vụ giới trẻ đòi phải cùng nhau làm việc; điều này tự nó đã mang tính đào luyện và "mang tính đào luyện đích thực khi nó đi đôi với suy tư, và còn hơn thế nữa, khi suy tư được thấm nhuần thái độ cầu nguyện. Chính vì thế cộng thể phải tạo ra được khoảng thời gian và không gian để nhìn cho kỹ, đọc cho sâu và rồi có thể thanh thản chia sẻ với nhau. Người Salêdiêng được mời gọi đối diện với những động cơ nền tảng, những cảm nhận mục vụ của mình và ý thức về chính căn tính của mình";74

3  thông giao với nhau, "trao đổi những tài năng và kinh nghiệm để làm phong phú cho cá nhân và cộng thể ." Điều này là phải học hỏi. "Về phía người thông truyền, cần phải thắng vượt tính rụt rè nhút nhát khi diễn đạt những tư tưởng và cảm nhận của mình và phải can đảm tin tưởng vào người khác. Còn người tiếp nhận cần phải có khả năng lãnh nhận điều được thông truyền, luôn kính trọng ngôi vị, không xét đoán, và trân trọng những quan điểm khác biệt";75

4  những tương giao liên vị "vun trồng và biểu tỏ mức độ trưởng thành của một người. Chúng cho thấy tình yêu đã chiếm hữu cuộc đời của mình ra sao và mình đã học biết diễn đạt nó đến mức độ nào."76 Không có khả năng yêu mến và không sẵn lòng tha thứ sẽ không thể có những tương giao chân chính giữa người với người;

5  bối cảnh xã hội văn hóa tác động đến cách thức chúng ta sống, cảm nhận và xem xét thực tại, và như vậy là một thách đố cho căn tính chúng ta. Ngoài việc phải hiểu rõ hiện trạng, ta cần phải biết cách giải thích chúng theo cái nhìn của Thiên Chúa, ngõ hầu đáp trả chúng theo cách thức phù hợp với ơn gọi và sứ mệnh chúng ta: "Khả năng để 'thấy' Thiên Chúa trong thế giới và phân định tiếng Ngài gọi trong những nhu cầu của thời đại và nơi chốn là một luật cơ bản thuộc tiến trình tăng trưởng của người Salêdiêng".77

5º.  Đem lại phẩm chất cho việc đồng hành đào luyện

Đào luyện đòi phải có đồng hành. Ngoài việc là "một đặc tính cơ bản của phương pháp giáo dục Salêdiêng", đồng hành là "một đòi hỏi thiết yếu" để tiếp cận cá nhân và để phân định. Đồng hành là để "đảm bảo cho người hội viên có được sự hiện diện, đối thoại, tư vấn và trợ giúp thích đáng trong mọi thời khắc của tiến trình đào luyện, và để thấy rằng về phía họ, họ đồng tình và tích cực chịu trách nhiệm trong việc tìm kiếm, chấp nhận và thu lợi từ việc phục vụ này. Ta nên hiểu rằng đồng hành có thể mặc lấy nhiều hình thức và cường độ khác nhau. Việc hướng dẫn không hạn hẹp ở việc đàm thoại cá nhân, nhưng là một tổng thể bao gồm các mối quan hệ, môi trường, và đường lối sư phạm, rất đặc trưng nơi Hệ Thống Giáo Dục Dự Phòng: từ một sự hiện diện huynh đệ gần gũi gợi lên được sự tín nhiệm và thân thiện, đến hành trình mà nhóm cùng chung bước, và rồi kinh nghiệm sống cộng đoàn; từ những lần gặp gỡ ngắn gọn, tùy dịp đến việc đối thoại cá nhân có hệ thống năng được tìm kiếm; từ việc đối thoại về những vấn đề bên ngoài cho đến việc linh hướng và bí tích giải tội."78

Bên cạnh việc đồng hành cá nhân, việc đồng hành từ môi trường giáo dục là một phần của phong cách Salêdiêng. Nó xuất phát từ những mối tương giao liên vị, sự hướng dẫn của những người có trách nhiệm và việc cùng tham dự một dự phóng. Đồng hành cộng thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chuyển thông sống động những giá trị Salêdiêng. Chăm lo việc đồng hành cộng thể "là bảo đảm được phẩm chất sư phạm và thiêng liêng của kinh nghiệm cộng thể và phẩm chất của việc sinh động và hướng dẫn cộng thể [...]. Việc này nhằm việc xây dựng một cộng thể được sinh động một cách sư phạm với cảm thức rõ ràng về căn tính và kinh nghiệm cộng thể. Kinh nghiệm ấy hướng dẫn, thôi thúc và nâng đỡ qua cách thức đời sống và hoạt động Salêdiêng diễn đạt hằng ngày. Đó là trách vụ dành cho mọi bối cảnh đào luyện, và cách riêng cho những cộng thể quá nhỏ hoặc quá đông".79

Để "giúp từng người đảm nhận và làm thành của mình những yếu tố trong căn tính Salêdiêng", việc đồng hành cần phải được cá vị hóa; nhất thiết phải bảo đảm có được những nhân sự đào luyện tận tụy, có khả năng, và hiệp nhất trong những tiêu chuẩn. Trong truyền thống Salêdiêng, việc đồng hành cá nhân được thực thi theo nhiều cách khác nhau và với những người khác nhau:

l.  Giám đốc "có trách nhiệm trực tiếp đối với từng hội viên; ngài giúp họ thể hiện ơn gọi riêng của họ" (HL 55); Trong đào luyện ban đầu, Giám đốc "chịu trách nhiệm đối với tiến trình đào luyện của cá nhân". Ngài thực thi việc phục vụ này qua cuộc đàm thoại thân tình. Đây là "một yếu tố thiết yếu trong hệ thống đào luyện Salêdiêng, và là dấu hiệu thiết thực về việc chăm sóc và quan tâm đến cá nhân và kinh nghiệm của họ". Được thực hiện "một tháng một lần" (QC 79) trong suốt thời kỳ đào luyện ban đầu, đây là "một hình thức linh hướng giúp cá vị hóa chương trình đào luyện và hấp thụ được những nội dung của nó".80

2. Một hình thức đồng hành khác được khoa sư phạm đào luyện Salêdiêng cung cấp là "những lần lượng giá cá nhân theo định kỳ ("những lần duyệt xét") qua đó ban Cố vấn cộng thể giúp người hội viên lượng giá tình trạng đào luyện của chính họ, hướng dẫn họ và cho họ lời khích lệ thực tiễn trong tiến trình họ vươn tới mức trưởng thành".81

3. Linh hướng là "một tác vụ soi sáng, nâng đỡ và hướng dẫn việc phân định ý Chúa nhằm đạt đến sự thánh thiện; nó khơi dậy và thôi thúc người hội viên hành động, hướng dẫn họ lấy những quyết định nghiêm chỉnh theo Tin mừng và đối diện với tiến trình tăng trưởng trong ơn gọi Salêdiêng của họ".82 Theo truyền thống Salêdiêng, Giám đốc của cộng thể đào luyện "là vị linh hướng được đề nghị cho các hội viên, song hội viên vẫn được tự do chọn một vị linh hướng khác."83

4. Bí tích giao hòa "cống hiến cho từng hội viên một sự linh hướng rất thực tiễn và cá vị, được làm phong phú do bởi hiệu năng riêng của bí tích này. Cha giải tội không chỉ xá tội nhưng, đang khi giao hòa hối nhân, ngài khuyến khích họ sống trung thành với Thiên Chúa cũng như với ơn gọi chuyên biệt của họ. Chính vì lý do này mà trong thời kỳ đào luyện ban đầu, thật thích hợp để các hội viên có một linh mục giải tội thường xuyên và thường đó là một linh mục Salêdiêng".84

Có những hình thức đồng hành cá nhân khác và những vị hữu trách khác để giúp người hội viên trong kinh nghiệm đào luyện của họ biết hội nhập những việc giáo dục-mục vụ và những nỗ lực đào luyện tri thức.85 “Một điều kiện then chốt để hướng dẫn là cái nhìn về đào luyện mà hội viên trong đào luyện ban đầu đảm nhận".86 Sau cùng, " trong việc đào luyện, hướng dẫn là một phần của việc sinh động":87 nó tránh áp đặt, thúc ép những kinh nghiệm bên ngoài lên trên người đang phát triển, song cùng lúc đó cũng không được xao nhãng trong việc khuyên bảo, đề nghị hay sửa sai.

6º.  Chú tâm đến việc phân định

Phân định thiêng liêng và mục vụ là thiết yếu cho mọi Salêdiêng để sống ơn gọi của mình với sự trung thành sáng tạo và như là một lời đáp trả liên tục. Đây là kết quả -như cha viết cho anh em trước kia -88 của việc lắng nghe Lời, dễ dạy và kiên nhẫn. Qua phân định, chúng ta có thể khám phá Thiên Chúa muốn gì nơi chúng ta hôm nay và Ngài muốn nó như thế nào [...] "Thường xuyên lắng nghe Lời Chúa [những môn đệ của Chúa] có được ánh sáng cần thiết cho việc phân định cá nhân và cộng thể, giúp họ tìm ra đường lối của Chúa qua những dấu chỉ thời đại. Nhờ đó, họ thủ đắc được một loại trực giác siêu nhiên",89 tức là có được cái nhìn đức tin. Hễ không có đức tin, thì "đời sống mất ý nghĩa, khuôn mặt anh chị em bị lu mờ và ta không thể nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi họ, ý nghĩa các biến cố lịch sử đâm ra hàm hồ, thiếu hẳn hy vọng; sứ mệnh tông đồ và bác ái chỉ là những hoạt động không đi tới đâu."90

Một cộng thể "chăm lo vun trồng một thái độ Tin mừng đối với mọi sự và tìm kiếm ý Chúa qua đối thoại huynh đệ và kiên nhẫn và với ý thức trách nhiệm sâu xa" sẽ cống hiến một môi trường thích hợp cho các hội viên quen thực hành việc phân định cộng thể. Việc cộng thể phân định sẽ "kiện cường sự hài hòa và hiệp thông, nâng đỡ sự hiệp nhất thiêng liêng, đào sâu ý thức ơn gọi và khích lệ sống chân thực và canh tân".91

Trong đào luyện ban đầu phân định là "việc phục vụ ứng sinh và đoàn sủng". Công việc này thực là quan trọng bởi vì nó liên quan tới việc kiểm chứng tính chắc chắn của ơn gọi, sự chín chắn của những động cơ, việc hấp thụ các giá trị, việc ngày càng đồng nhất hóa với dự phóng đời sống, tắt một lời, kiểm chứng ứng sinh có thích hợp với ơn gọi hay không. "Các lần tiếp nhận chỉ là những dịp tổng hợp trong tiến trình đó. Phân định diễn ra trong sự cộng tác mật thiết giữa ứng sinh và cộng thể địa phương và Tỉnh. Thực thế, ở tận nền tảng của đào luyện là một tiền đề cơ bản, nghĩa là ý muốn cùng nhau thực thi một tiến trình phân định, có một thái độ rộng mở cho thông giao, và chân thành đồng trách nhiệm, chú tâm đến tiếng nói của Thần Khí và những phương cách cụ thể qua đó Ngài phán dạy.

 Đối tượng phân định là những giá trị và thái độ cần phải có để sống ơn gọi Salêdiêng với sự trưởng thành, vui tươi và trung tín, nghĩa là những gì liên quan đến sự thích hợp, những động cơ và ý hướng ngay lành".92

Là điểm then chốt trong phương pháp đào luyện, việc phân định làm cho quyết tâm và sự cộng tác của những vị hữu trách nên hữu hiệu hơn, và phải "đảm bảo rằng họ biết rõ tính chất và những đặc tính của việc phân định; những phương tiện được đề nghị phải được sử dụng, những thời gian dành riêng cho việc phân định phải được tuân giữ, và trên hết, những vị hữu trách phải liên lỉ áp dụng việc phân định cho chính mình, và sau khi đã có được sự chuẩn bị cần thiết", họ bắt đầu với ứng sinh, "người đầu tiên quan tâm khám phá kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mình". Vì vậy, ứng sinh "vun trồng một thái độ liên tục rộng mở trước tiếng nói Thiên Chúa và hành động của những ai có trách nhiệm về việc đào luyện của họ. Họ hướng cuộc đời mình theo cái nhìn của đức tin, và duyệt xét mình theo những tiêu chuẩn của ơn gọi Salêdiêng. . . Họ hết sức chân thành tìm cách biết mình, làm cho mình được biết và chấp nhận chính mình; họ tận dụng tất cả những phương tiện và khí cụ mà việc đào luyện cống hiến cho họ, cách riêng việc hướng dẫn trong đào luyện và các trao đổi huynh đệ về quan điểm, đàm thoại thân tình với Giám đốc, việc linh hướng, bí tích Giao hòa, những lượng giá và phân định cộng thể".93

Ngoài ứng sinh, tham dự vào vào tiến trình phân định còn có Giám tỉnh và ban cố vấn ngài; các ngài chú tâm đến "tính duy nhất của các tiêu chuẩn". Rồi đến Giám đốc là người lượng giá "tiến trình được ứng sinh thực hiện trong hành trình ơn gọi của họ", cũng như toàn cộng thể qua việc diễn đạt ý kiến của mình (QC 81).94

Bất kỳ vị hữu trách nào nói trên đều "phải có lập trường rõ về ơn gọithái độ đức tin. Một đàng, các vị phải cho thấy mình có được sự nhạy bén sư phạm và có được một số kỹ năng chuyên biệt",95 và đàng khác phải quy chiếu đến căn tính Salêdiêng, những yếu tố cấu thành căn tính ấy, và những điều kiện cũng như những yêu cầu cần thiết để sống căn tính này. Không có phân định chung chung. Vì vậy, cần phải có đủ kiến thức và đồng lòng với những tiêu chuẩn được Tu Hội đề ra, mà trước tiên là tiêu chuẩn về phẩm chất đoàn sủng: thực thế, đây chính là cơ sở để có được một kinh nghiệm chân thực và trung tín về ơn gọi của mình, không bận tâm về số lượng hoặc sự hữu dụng, loại bỏ những biểu hiện nông cạn về sự phấn khởi cũng như những gì mà ứng sinh cam kết thực hiện song lại mỏng dòn và chưa kiểm chứng được. Khi ai tham gia vào một sự phân định, người ấy hành động nhân danh Tu Hội là chủ thể trách nhiệm về đoàn sủng".96

Việc phân định hàm ẩn rằng ta biết đến tính chất tiệm tiến của tiến trình đào luyện và tính chất biệt loại của mỗi giai đoạn, và luôn lưu tâm tính chất độc đáo của nhân vị và sự phát triển của họ. Thế nhưng, ta không thể để "những người không phù hợp" bước vào những giai đoạn đào luyện và những cam kết. Ta cũng phải tránh "kéo dài những tình trạng có vấn đề và không dứt khoát, không cho thấy có được những triển vọng cải thiện nghiêm chỉnh".97

Vì phân định không chỉ là một tiến trình lượng giá cá nhân nhưng trên hết là tiến trình lắng nghe tiếng Thiên Chúa, Đấng liên lỷ phán dạy một cách đặc biệt trong mọi trạng huống. Thế nên, việc phân định không thể bị giới hạn vào thời đào luyện ban đầu, nhưng trái lại, phải đồng hành với toàn cuộc đời của người Salêdiêng. Thực thế, "trong cuộc đời của người Salêdiêng có thể có những thời kỳ họ thấy cần phải lượng giá cẩn thận hơn về dòng đời của mình, duyệt lại những quyết định của họ để tái xác quyết chúng hoặc để chọn lại ơn gọi của họ... Như vậy, người hội viên buộc phải đảm nhận một thái độ phân định thiêng liêng thực sự, thoát khỏi những áp lực bên trong và bên ngoài, và mở rộng cho đối thoại. Họ phải tránh cô lập chính mình hay hoàn toàn tự mình lấy những quyết định, họ phải dành cho mình thời gian cần thiết và tiếp nhận những cơ hội và phương thế được cống hiến cho họ. Về phần mình, qua những vị hữu trách, cộng thể tôn trọng, thông cảm và hướng dẫn họ một cách kính trọng và đầy tình huynh đệ, và dùng những phương thế thông thường và lạ thường để trợ giúp họ một cách thức thích hợp".98

2.3  Đào luyện: ưu tiên tuyệt đối

Vì là một nỗ lực hấp thụ căn tính đoàn sủng, đào luyện là một trách vụ kéo dài suốt đời".99 “Thực thế, nếu đời sống thánh hiến tự thân là việc tiệm tiến đảm nhận thái độ của Đức Kitô, thì hiển nhiên con đường đó phải kéo dài suốt đời và can dự đến toàn thể con người ấy."100 Bao lâu tiếng gọi không bị thu hồi, chúng ta vẫn mắc nợ Thiên Chúa và những người chúng ta được sai tới: chỉ bởi vì "toàn thể cuộc đời là một ơn gọi, thì toàn thể cuộc đời là đào luyện".101

Mặc dù đúng là đào luyện kéo dài suốt đời, song những mục tiêu và những tiến trình đào luyện không luôn luôn là như nhau. Đào luyện ban đầu "được ghi dấu bởi những kinh nghiệm thiêng liêng mãnh liệt để dẫn tới những quyết định can đảm".102 Nó nhắm đến việc người được gọi đồng hóa mình với đoàn sủng, hiểu biết và đích thân chấp nhận ơn gọi. Nó kéo dài trong một thời gian hạn định và được phân thành những giai đoạn, để có được tiến trình tiệm tiến tiếp thu đoàn sủng và tự hiến cho sứ mệnh. "Nó trải rộng từ những hướng chiều đầu tiên về đời sống Salêdiêng cho tới việc kiện cường những động cơ, tới việc đồng hóa mình với dự phóng Salêdiêng để được sống trong một tỉnh dòng đặc thù".103 Đây là thời kỳ làm việc và tăng trưởng trong sự thánh thiện chứ không phải là thời gian chờ đợi (x. HL 105).

Đàng khác, đào luyện liên tục hệ tại ở "nỗ lực hoán cải và canh tân liên lỷ" (HL 99), hầu trong tự do người Salêdiêng được đào luyện để học hỏi qua đời sống, trong mọi giai đoạn tuổi và thời buổi, trong mọi khung cảnh và bối cảnh nhân sinh, từ mọi người và văn hóa, rộng mở để được dạy dỗ bằng bất kỳ mảng sự thật và vẻ đẹp nào tìm thấy quanh họ. Nhưng trên hết họ phải học để được đào luyện bởi cuộc sống hằng ngày, bởi chính cộng thể của mình, bởi anh chị em của mình, bởi những điều thường nhật, thông thường và lạ thường, bởi cầu nguyện và lao nhọc tông đồ, khi vui, khi đau khổ cho đến giây phút lìa đời [...] Những người trong đào luyện liên tục tận dụng mọi thời gian, chứ không để nó khuất phục mình. Họ chấp nhận thời gian như một tặng phẩm và khéo léo bước vào những nhịp điệu khác nhau của đời sống (ngày, tuần, tháng, năm) với sự khôn ngoan, tìm sự hài hòa và nhịp điệu đã được Thiên Chúa bất biến và vĩnh cửu ghi dấu qua thời gian năm tháng."104

Nói rõ hơn, đối với chúng ta Salêdiêng, đào luyện liên tục "là sự tăng trưởng trong những phẩm tính nhân bản; đồng hóa mình ngày một mật thiết hơn với Đức Kitô; là canh tân lòng trung thành của ta với Don Bosco hầu ta có thể đáp lại những đòi hỏi ngày một mới mẻ nảy sinh từ tình trạng của giới trẻ và người nghèo".105 Qua tuyên khấn trọn đời, người được gọi dấn mình vào cuộc sống đồng nhất hóa với ơn gọi của mình, luôn trung thành với chính mình, tựa nương vào sự trung tín của Thiên Chúa và tình yêu dành cho giới trẻ (x. HL 195).106

Tăng trưởng trong đoàn sủng của Don Bosco và cố gắng trung thành với đoàn sủng: đấy là đào luyện, và đó là sự ưu tiên cơ bản tuyệt đối cho Tu Hội ngày nay và cho mọi người Salêdiêng như trước đây đối với chính Don Bosco trong những thời đầu của ngài".107 Tiến trình canh tân trong đó chúng ta dấn mình vào khi chúng ta tiến gần đến việc cử hành 200 năm ngày sinh của Don Bosco, "cốt yếu tùy vào việc đào luyện"108 từng người Salêdiêng. "Được cảm nhận như một sự thúc đẩy liên lỷ trong Tổng Tu Nghị 24 của chúng ta, đào luyện được coi "như là một phần cốt yếu của khả năng giáo dục và linh đạo của người mục tử".109 Cha Vecchi, vị tiền nhiệm của cha, đã luôn coi đó là "một sự đầu tư ưu tiên thực sự".110 “Đầu tư có nghĩa là đề ra và duy trì những ưu tiên đảm bảo những điều kiện, hành động theo một chương trình vốn dành vị trí cao quý cho con người, cộng thể và sứ mệnh. Đầu tư thời gian, nhân sự, sáng kiến và nguồn tài chánh cho đào luyện, là một trách vụ có tầm quan trọng cho tất cả chúng ta."111



Lời nguyện kết thúc

Cha coi lá thư này có tầm quan trọng đặc biệt vì phần lớn, tương lai của Tu Hội lệ thuộc vào phẩm chất đào luyện những người Salêdiêng mới. Và Cha kết thúc lá thư này bằng cách kêu cầu Mẹ Maria. Mẹ được Thiên Chúa kêu gọi, được Thánh Thần đào luyện và được đồng hành đầu tiên bởi thánh Giuse rồi bởi Đức Giêsu, để tăng trưởng trong đức tin và trung thành với kế hoạch Thiên Chúa dành cho Mẹ; và chính bởi vì Mẹ trung thành cho tới cái chết trên thập giá của Đức Giêsu, con của Mẹ là Đấng ban Đức Maria làm mẹ cho chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, là mẹ và bà giáo của hết thảy các môn đệ của Con Mẹ, chúng con nhìn lên mẹ và thấy nơi mẹ là người được thánh hiến đầu tiên. Mẹ biết cách đáp lại tiếng Chúa Cha với một trái tim không phân chia và sự tận hiến vô điều kiện. Mẹ biết rõ chỉ Thiên Chúa mới có thể thực hiện điều mà nhân loại không thể làm được; mẹ đã để cho Thánh Thần sống trong mẹ và đào tạo mẹ hầu Con Thiên Chúa có thể được sinh ra nơi mẹ.

Mẹ đã sống tròn đầy vai trò tuyệt đẹp của mẹ là Mẹ của Con Thiên Chúa để sau khi đã sinh Người, cùng với thánh Giuse mẹ đã dưỡng dục Người để "Người ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta." (Lc 2,52). Là một người mẹ chân thật mẹ biết cách chuyển giao cho Con của Mẹ những thái độ sâu xa và những giá trị lớn lao đã từng soi dẫn mẹ và là nét đặc trưng cuộc đời của mẹ: liên lỷ tìm kiếm ý Chúa, chân thành đón nhận thánh ý ấy ngay cả khi mẹ không hiểu gì nhưng vẫn luôn gìn giữ nó, phục vụ tha nhân, nhất là những kẻ thiếu thốn.

Vì vậy không ngạc nhiên gì khi thấy Con của Mẹ bỏ đi lên núi một mình để thâu đêm cầu nguyện, là sự diễn đạt cao nhất của đức tin nơi Người và thời khắc khôn sánh để nhận biết điều Chúa Cha muốn nơi Người để làm cho nó thành kế hoạch đời sống của mình và như vậy, "Dầu là Con Thiên Chúa, người đã phải ... học thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người". Cũng không ngạc nhiên khi thấy Người chẳng có một quan tâm nào khác, chẳng có gì tốt hơn phải làm, chẳng có lương thực nào khác hơn là thi hành ý của Cha (Lc 2,49; Ga 4,34). Thật không ngạc nhiên khi Người miêu tả cuộc đời mình như sự phục vụ: "Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,45). 

Lạy mẹ Maria, mẹ đã sống đức ái tròn đầy. Nơi mẹ tất cả những nét của Tin mừng, tất cả những đặc sủng của đời thánh hiến được phản chiếu và được canh tân. Xin nâng đỡ chúng con trong những nỗ lực hằng ngày để làm cho chúng con thành một chứng từ tình yêu ngời sáng như thánh Phaolô mời gọi: "anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em!" (Ep 4:1).112

Mẹ được ban cho Don Bosco như người mẹ và bà giáo từ lúc "giấc mơ 9 tuổi"; giấc mơ ấy đã trao ban ý nghĩa cho cuộc đời ngài, và hình thành nơi ngài trái tim của một người cha và người thày có khả năng tận hiến hoàn toàn, và chỉ cho ngài cánh đồng hoạt động của ngài giữa giới trẻ và liên lỷ hướng dẫn ngài (x.HL 1.8), xin cũng hình thành nơi chúng con một cõi lòng đam mê Thiên Chúa và giới trẻ. Lạy Mẹ, chúng con xin phó thác chúng con cho Mẹ. Lạy bà giáo quý yêu, ước gì nơi mẹ chúng con có thể học biết trở thành con cái Thiên Chúa và môn đệ của Con Mẹ. Amen.

Pascual Chávez V., SDB






1 X. F. Cereda, Vocational fragility. Initiating reflection and suggesting action, in AGC 385 (2004), pp. 34-53.

2 Cf USG, Fedeltà vocazionale. Realtà che interpella la vita consacrata. Rome 23-25 November 2005; USG, Per una vita consacrata fedele. Sfide antropologiche della formazione. Rome 24-26 May 2006.

3 NB. Để hiểu ba cột đầu tiên, [tập sinh, tập sinh xuất, và tập sinh tuyên khấn], ta cần ghi nhớ. Tập sinh vào tập viện trong một năm, sẽ tuyên khấn lần đầu ở năm kế tiếp; vì thế, con số tập sinh xuất là sự khác biệt giữa tập sinh vào trong năm và những người tuyên khấn năm sau. Chẳng hạn, năm 2002 có 607 tập sinh vào nhà tập và năm 2003 có 470 tuyên khấn lần đầu. Vì vậy, sự khác biệt giữa tập sinh vào nhà tập năm 2002 (607) và 470 hội viên tuyên khấn lần đầu năm 2003, là 137 tập sinh; con số này dựa trên cột “Tập sinh xuất” năm 2002. Trong năm 2012, có 480 tập sinh vào; nhưng chúng ta sẽ biết số mới tuyên khấn và con số tập sinh xuất vào cuối năm 2013.

4 Để hiểu những cột liên quan đến miễn chuẩn độc thân, hồi tục và thải hồi, ta cần ghi nhớ: Con số không qui chiếu đến những người trong năm ấy xin miễn chuẩn, nhưng đến những người mà năm đó các tiến trình đã xong xuôi.


5 Cf. E. Bianchi, Religious life and vocations today in Western Europe, suy tư được trình bày cho 150 tu sĩ dòng Tên tụ họp tại Bruxelles ngày 1, tháng Năm, 2007.

6 “Đáp lại tiếng Chúa gọi có nghĩa là sống trong một thái độ đào luyện" (The Projectof Life of the Salesians of Don Bosco. Guide to the reading of the Salesian Constitutions, Rome 1986, p. 682).

7Formation of Salesians of Don Bosco [FSDB], Rome 2000, 1

8Congregation for for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life (CIVCSVA), Starting afresh from Christ, Rome 2002, n. 22.

9Criteria and norms for Salesian vocation discernment [Supplement toFSDB], 30

10 Juan J. Bartolomé, “La Llamada de Dios. Una reflexión bíblica sobre la vocación”: Misión Joven 131 (1987) 6.

11 Benedict XVI, Caritas in veritate, 1.

12 “Toàn bộ việc cầu nguyện đích thực của Kitô hữu đều có liên quan đến toàn thể đời sống của người cầu nguyện... Cha có thể nghĩ rằng những biến cố thông thường của đời sống hằng ngày không quan trọng bao nhiêu so với những điều lớn lao xảy ra trong xã hội và lịch sử, nhưng qua cầu nguyện, cha có thể nhận ra giá trị của chúng và hiểu được rằng những điều xảy ra thông thường hằng ngày đều có chỗ của chúng trong kế đồ của Thiên Chúa. Bất kỳ tình trạng nào đều có thể là đề tài cầu nguyện nếu cha biết chuyển nó thành một kinh nghiệm đối diện với thần linh". (Giám đốc Salêdiêng: Một tác vụ để sinh động và cai quản cộng thể địa phương, Roma 1986, 209-210)

13 E. Viganò, “Strengthen your brothers”, AGC  295 (1980), p. 26.

14  Cf FSDB, 7

15 GC23, 95

16 FSDB, 29

17 FSDB, 4

18 Cf FSDB, 25

19 FSDB, 41

20 CIVCSVA, Starting afresh from Christ, 15

21 FSDB, 41

22 Cf SGC, 45-49

23 Tông huấn  Vita Consecrata bàn về "sự hiệp thông tình yêu đặc biệt với Đức Kitô" (VC, 15)

24 FSDB, 30

25 SGC, Presentation of the Rector Major, 31 January 1972, page xvi

26 “Được gương sáng và lời dạy dỗ của Don Bosco soi dẫn bởi, người Salêdiêng sống Hệ thống Dự phòng như một kinh nghiệm thiêng liêng, sư phạm và mục vụ. Những giao tiếp của họ với giới trẻ được ghi dấu bởi sự chân tình và bằng sự hiện diện bằng hữu và tích cực, vốn cổ xúy tư cách lãnh đạo. Họ vui vẻ chấp nhận lao nhọc và hy sinh mà cuộc tiếp xúc của họ với giới trẻ hàm ẩn, thâm tín rằng qua chúng,họ sẽ tìm được con đường nên thánh của mình". (FSDB, 32)

27 FSDB, 42.

28 FSDB, 33. “Ơn gọi Salêdiêng không thể tưởng nghĩ được mà không có sự hiệp thông cụ thể trong đời sống chung với các hội viên. Chính mối dây cộng đoàn giữa các hội viên cấu thành cách cùng nhau sống và làm việc như những người Salêdiêng" (The Project of Life of the Salesians of Don Bosco, p. 408).

29 FSDB, 33

30 FSDB, 219

31 FSDB, 91

32 Cfr VC, 96; CG24, 152.

33 FSDB, 34

34 FSDB, 35

35 FSDB, 35

36 GC24, 138

37 FSDB, 45

38 FSDB, 82

39 The Project of life of the  Salesians of Don Bosco, p. 131.

40 “Cách chúng ta sống tư cách thành viên trong Giáo Hội và cách chúng ta góp phần xây dựng Giáo Hội hệ tại ở việc là những người Salêdiêng chân chính và trung thành, nghĩa làm, trong việc là chính mình ngày một hơn" (The Project of Life of the Salesians of Don Bosco, p. 122)

41 Cf FSDB, 83

42 FSDB, 42

43 FSDB, 37

44 FSDB, 43

45 FSDB, 205

46 FSDB, 1

47 Dễ dạy đối với Chúa Thánh Thần, họ phát triển những năng khiếu của mình và các đặc ân của ơn thánh trong nỗ lực hoán cải và canh tân bền bỉ (HL 99). X. CRIS, Los elementos esenciales de la enseñanza de la Iglesia sobre la vida religiosa (1983), 47.

48 FSDB, 206. Đào luyện "chắc chắn là một tặng phẩm của Thần Khí nhưng cũng được trợ giúp bởi một khoa sư phạm thích đáng.” (FSDB, 209).

49 FSDB, 208

50 “Tiến trình tăng trưởng trong căn tính Salêdiêng của ta xảy ra trong cõi lòng của một người, ở mức độ sâu xa nhất trong tình cảm, cảm nhận, xác tín và động cơ của họ, và không bị giới hạn vào việc thủ đắc hay chuyển giao kiến thức và những mẫu hành sử. "Vì thế, đào luyện phải có một tác động sâu xa trên cá nhân, hầu mọi thái độ và hoạt động của họ, vào những thời khắc quan trọng cũng như trong những biến cố thông thường của đời sống, sẽ cho thấy rằng họ hoàn toàn và vui vẻ thuộc về Thiên Chúa" (x. HL 98)” (FSDB, 208).

51 “Vậy đào luyện chỉ đạt được mục tiêu cơ bản của mình khi người Salêdiêng cho phép Thiên Chúa nói với mình trong những chiều sâu thẳm của cõi lòng họ, làm cho nhữnt tiêu chuẩn và giá trị của ơn gọi Salêdiêng thành của mình,v à có thể từ bỏ những thái độ đối nghịch, trình bày rõ ràng một kế hoạch cá nhân, và thống nhất hóa đời sống của chính mình quanh những động cơ chân thật và chân chính" FSDB, 209).

52 Kế hoạch không phải là một bản văn được đem ra thực hành cho bằng là một diễn đạt và dụng cụ của một cộng thể mà chọn để cùng làm việc chung hầugiúp từng hội viên đi trên lối đường đào luyện của mình. (FSDB, 213).

53 FSDB, 210

54 “Những nội dung, kinh nghiệm, thái độ, hoạt động và những biến cố then chốt được suy nghĩ kỹ càng, được lập chương trình và hướng dẫn theo mục đích của từng tiai đoạn và toàn thể đào luyện. Khoa sư phạm được dùng là khoa sư phạm phải vượt thắng được mối nguy cơ là sự phân mảnh và ngẫu hứng cũng như bỏ đi hoạt động vô mục đích và không được tập trung"  (FSDB, 212).

55 Người Salêdiêng có bổn phận thừa hưởng lối tiếp cận rõ ràng đối với việc đào luyện của mình ngay từ ban đầu, có bổn phận thấu hiểu mục đích của toàn thể tiến trình cũng như của từng giai đoạn, để làm cho bước tiến từ giai đoạn này sang giai đoạn khác sinh hiệu quả, khi lãnh trách nhiệm làm cho những mục tiêu của giai đoạn mới thành của mình; họ phải sáng tạo cho mình những mục tiêu cụ thể và những đường nét hoạt động cùng thẩm định và thông tri việc thực thi kế hoạch đào luyện cá nhân của mình. Về phần mình, những người hữu trách trong đào luyện có bổn phận chấp nhận và thực thi những chỉ dẫn của kế hoạch tỉnh và đảm bảo rằng ứng sinh tựn nguyện đón nhận chương trình đào luyện và trung thành đính kết với nó trong cộng thể của họ" (FSDB, 213).

56 FSDB, 212

57 Như một nhà giáo dục, Don Bosco quan tâm nhiều đến tương giao cá nhân, nhưng ngài được nhìn nhận trước hết là một người sáng tạo nên một khung cảnh đầy những mối liên hệ và khuôn mẫu, những chương trình và những khích lệ giáo dục (các biến cố, hoạt động, thời kỳ, cử hành, v.v.), là tác giả của một kiểu mẫu và khoa sư phạm của đời sống, là người thông truyền một kế hoạch để được cùng nhau sống, và là người sinh động hóa của một cộng thể có một diện mạo rõ ràng và những điểm qui chiếu được thiết lập. Cộng thể Valdocco, nổi bật vì Hệ thống dự phòng, cống hiến một khung cảnh nồng ấm, được hướng dẫn, theo dõi, khích lệ và đòi hỏi" (FSDB, 219).

58 John Paul II, Tông huấn Pastores dabo vobis, Rome 1992, 69. X. CIVCSVA, Starting afresh from Christ, 46; CIVCSVA, Potissimum institutioni, Roma, 2 February 1990, 29.

59 FSDB, 216. “Trong kế hoạch đó, họ phác họa kiểu người Salêdiêng mà họ cảm nhận được gọi để trở thành và cách thức để tới đạt điều ấy, dĩ nhiên luôn phù hợp với những giá trị Salêdiêng. Thỉnh thoảng, khi đối thoại với Giám đốc, họ thẩm định (lượng giá) sự tiến bộ mà họ đã thực thi trong việc tới đạt mục tiêu của mình" (Ibidem).

60 FSDB, 221

61 Pastores dabo vobis, 42.

62 Cf Pastores dabo vobis, 60. “Trong một bầu khí cùng chia sẻ trách nhiệm, mọi người cùng nhau đính kết vào một số giá trị, mục tiêu, kinh nghiệm, phương pháp đào luyện, và thỉnh thoảng họ lên chương trình, lượng giá và điều chỉnh đời sống, công việc và những kinh nghiệm tông đồ của họ hầu đáp ứng những đòi hỏi của ơn gọi salêdiêng" (FSDB, 222).

63 “Để khích lệ mọi người tham gia, cộng thể đó tìm cách làm cho họ can dự vào trong việc soạn thảo kế hoạch cộng thể và chương trình của các hoạt động, trong công việc nhóm, trong việc duyệt xét đời sống và trong những hình thức gặp gỡ và tham gia khác có ý nghĩa. Mọi hội viên chọn một việc phục vụ nào đó vốn hữu ích cho đời sống cộng thể và kiện cường sự hiệp thông" (FSDB, 223).

64 Cf FSDB, 222. Cf loc. cit. 234-239.

65 FSDB, 233

66 FSDB, 231.

67 FSDB, 233. “Bổn phận loại biệt của họ là hướng dẫn mỗi hội viên, giúp họ hiểu và làm cho giai đoạn đào luyện họ tham gia vào thành của chính họ.? Ngài duy trì đối thoại chân thành và thường xuyên với hội viên, cố gắng hiểu biết những điểm mạnh và điểm yếu của họ, cho họ những lời khuyên bảo sáng tỏ và đòi hỏi, đề xuất những mục tiêu thích hợp, nâng đỡ và hướng dẫn họ trong những lúc khó khăn, và cùng với họ lượng giá bước tiến họ đạt được trong việc đào luyện" (Ibidem).

68 FSDB, 233

69 FSDB, 227. Rõ ràng mục tiêu thật sự của những chỉ dẫn này là kiến tạo một bầu khí trong đó điều được trình bày như lý tưởng, thực thế, đã được sống trong các nhà đào luyện, là sự diễn đạt thực tiễn điều được hứa bởi việc tuyên khấn công khai. Đời sống hằng ngàycủa Tỉnh dòng, phẩm chất của đời thánh hiến và sự hiệu quả của sứ mệnh tông đồ của tỉnh dòng là những đòi hỏi thiết yếu (bất khả thế) cho phẩm chất của đào luyện của một Tỉnh dòng, đang khi chấp nhận lỗ hổng (thiếu sót) có thể có giữa lý tưởng được đề xuất và thực tại như kinh nghiệm được sống.

70 FSDB, 226

71 FSDB, 251.

72 FSDB, 251.

73 FSDB, 252.

74 FSDB, 253.

75 FSDB, 254.

76 FSDB, 255. “Trái lại, “những tương quan khó khăn, những trạng thái mâu thuẫn không thể được thuyên chữa thích đáng qua sự hòa giải, tác động bên trong một người, cản trở tiến trình trưởng thành và tạo nên những khó khăn trong con đường của sự tự hiến vui tươi và bình thản cho sứ mệnh và cho TC" (J. E. Vecchi, “Những chuyên viên, chứng nhân và những người xây dựng sự hiệp thông" AGC 363 [1998], p. 31).

77 FSDB, 257.

78 FSDB, 258. “Đàng khác, kinh nghiệm dạy chúng ta rằng khi nào không có sự hướng dẫn hay sự hướng dẫn thật hời hợt hay bất liên tục, nó có thể xói mòn mọi công việc đào luyện” (Ibidem).

79 FSDB, 259

80 FSDB, 261.

81 FSDB, 261

82 FSDB, 262

83 FSDB, 262.

84 FSDB, 263

85 Như một vấn đề phải quan tâm đặc biệt, thật đáng để trích dẫn điều được địi hỏi nơi nhân viên đào luyện khác: "sẵn lòng và tận hiến, họ phải ý thức rằng họ đang thông truyền tác động của TC, thừa tác vụ của GH, và trí lòng của Tu Hội. Hơn nữa, một số niềm xác tín, thái độ và điều kiện thì bất khả thế: thái độ thiêng liêng và viễn ảnh đức tin, quan điểm về ơn gọi Salêdiêng và vì thế, một sự hiểu biết về những tiêu chuẩn để phân định nó và những điều kiện để sống nó, một nhạy cảm sư phạm vốn cổ xúy một bầu khí của tự do, một sự lưu tâm đến con người và nhịp độ tăng trưởng của họ, và một số tài khéo biệt loại trong những lãnh vực của đào luyện nhân bản và thiêng liêng” (FSDB, 264).

86 FSDB 265. “Từ thời tiền tập viện trở đi họ ý thức rằng sự phát triển ơn gọi của họ tiên vàn là công việc của TC đấng “lợi dụng những dụng cụ nhân loại” (VC 66); rằng việc đào luyện salêdiêng là một cuộc đối thoại chân thành và chia sẻ trách nhiệm với cộng thể, người mang lấy đặc sủng; và rằng sự tự đào luyện không có nghĩa là tự đủ (tự mãn) hay tiến hành riêng một mình thôi." (Ibidem).

87 FSDB, 266.

88 x. P. Chávez, “Lạy Chúa, bỏ Ngài chúng con sẽ theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6,69). Lời Thiên Chúa và Đời sống Salêdiêng, AGC 386 [2004], p. 37-38

89 Vita consecrata, 94

90 CIVCSVA, Starting afresh from Christ, 25.

91 FSDB, 268

92 FSDB, 269

93 FSDB, 270

94 FSDB, 270

95 FSDB, 271

96 FSDB, 272

97 FSDB, 321

98 FSDB, 276. Đối với sự đồng hành của các hội viên trong những trường hợp đặc biệt, x. The Salesian Provincial, Roma 1987, 390-395; The Salesian Rector, Roma 1986, 268.

99 FSDB, 42

100 CIVCSVA, Starting afresh from Christ, 15. Cf Vita consecrata, 65.

101 FSDB, 520

102 CIVCSVA, Starting afresh from Christ, 9.

103 FSDB, 308.

104 CIVCSVA, Starting afresh from Christ, 15.

105 FSDB, 309

106 “Sẽ có được sự mới mẻ của đời sống chỉ với điều kiện đào luyện liên tục thành công trong việc là cách thức mới mà đời thánh hiến được sống, là cách thức mới mà người được thánh hiến suy nghĩ. Nếu chúng ta muốn kết thúc cớ vấp phạm của những người thánh hiến kiệt lực và không có nhiệt tâm, khô khẳng và tự đủ tron gnhững chắc chắn của mình, vô cảm và lạnh lùng đối diện với bất kỳ kích thích nào, thì đào luyện liên tục là con đường duy nhất để xuất khỏi tình trạng này."

107 FSDB, 5

108 CIVCSVA, Starting afresh from Christ, 14. Cf CIVCSVA, Directives on formation in Religious Institutes, Potissimun institutioni, Rome, 2 February 1990, 1

109 J. E. Vecchi, “ ‘Vì các con cha học …’(HL 14) sự chuẩn thích thích đáng của các hội viên và phẩm chất của công cuộc giáo dục của chúng ta,” AGC 361 [1997)], p. 6.

110 J. E. Vecchi, ibidem p. 25. “Tuy nhiên, chúng ta đừng chỉ giải quyết những khủng hoảng, nhưng phải trồng cho tương lai" (ivi p. 36).

111 GC24, 248

112 Cf Starting afresh from Christ, 46.

34